Top 10 nền kinh tế có khả năng cạnh tranh kỹ thuật số hàng đầu năm 2024, dẫn đầu là một quốc gia Đông Nam Á
(Thị trường tài chính) - Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò của căng thẳng địa chính trị, tốc độ phát triển công nghệ và sự chênh lệch hạ tầng số trong việc định hình năng lực cạnh tranh kỹ thuật số toàn cầu.
Theo Human Resources Online, Singapore một lần nữa đã đứng đầu Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh kỹ thuật số thế giới (WDCR) của IMD năm 2024, tiếp theo là Thụy Sĩ và Đan Mạch lần lượt xếp ở vị trí thứ 2 và thứ 3.
Trong khi đó, thứ hạng của Hồng Kồng (Trung Quốc) đã tăng 3 bậc lên vị trí thứ 7 toàn cầu. Ngược lại, Mỹ giảm 3 bậc xuống hạng 4.
Được công bố hàng năm bởi Trung tâm năng lực cạnh tranh thế giới (WCC) thuộc Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD), bảng xếp hạng này đo lường năng lực cạnh tranh kỹ thuật số của 67 nền kinh tế toàn cầu bằng cách sử dụng dữ liệu thực tế và khảo sát để đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của từng quốc gia.
Phương pháp xếp hạng chia năng lực cạnh tranh kỹ thuật số thành 3 yếu tố: kiến thức, công nghệ và sự sẵn sàng cho tương lai. Mỗi yếu tố này được chia thành 3 tiểu mục, giúp làm nổi bật mọi khía cạnh của các lĩnh vực được phân tích. Tổng cộng, bảng xếp hạng bao gồm 9 tiểu mục với 59 tiêu chí đánh giá.
Singapore đã duy trì vị trí dẫn đầu nhờ vào thế mạnh trong quản lý đô thị, số lượng bằng sáng chế công nghệ cao, lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính, cũng như các mối quan hệ đối tác công-tư.
Trong khi đó Hồng KKôg tiếp tục đạt kết quả tốt ở các yếu tố "công nghệ" và "kiến thức", lần lượt xếp thứ 3 và thứ 5. Thứ hạng của thành phố trong yếu tố "sẵn sàng cho tương lai" cũng được cải thiện.
Báo cáo chỉ ra rằng căng thẳng địa chính trị ngày càng trở thành yếu tố định hình năng lực cạnh tranh kỹ thuật số của các quốc gia. Một thách thức lớn khác đối với năng lực cạnh tranh kỹ thuật số vào năm 2025 là sự chênh lệch trong phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số giữa các nước.
Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh các nền kinh tế phải đối mặt với tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ cũng như những yêu cầu về năng lực để bắt kịp xu thế.
Những công nghệ mới nổi như AI, blockchain và điện toán lượng tử đang thúc đẩy đổi mới, định hình lại ngành công nghiệp, nền kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, chúng cũng có thể làm gia tăng khoảng cách kỹ thuật số. Theo chuyên gia, những thị trường biết cách khai thác hiệu quả sức mạnh của những công nghệ này có khả năng nâng cao lợi thế cạnh tranh kỹ thuật số, dẫn đến tăng trưởng kinh tế bền vững, cải thiện năng suất và gia tăng ảnh hưởng toàn cầu.
"Những nền kinh tế cân bằng được giữa quản trị mạnh mẽ, tiến bộ công nghệ và khả năng thích ứng với các xu hướng mới nổi có khả năng dẫn đầu về năng lực cạnh tranh kỹ thuật số trong những năm tới", nhà kinh tế trưởng của WCC Christos Cabolis nhận định.