Thủ tướng lâm thời Bangladesh kêu gọi 'xây dựng đất nước mới từ con số 0', đặc biệt mong muốn gia nhập ASEAN
(Thị trường tài chính) - Ông Muhammad Yunus, nhà lãnh đạo lâm thời của Bangladesh, đã đưa ra những nhận định về tình hình đất nước và lộ trình cải cách ngoại giao, kinh tế toàn diện sau cơn biến động chính trị.
Trước khi trở thành Quyền Thủ tướng của Bangladesh, ông Muhammad Yunus là một giáo sư kinh tế tiên phong trong lĩnh vực tín dụng vi mô và từng đoạt giải Nobel Hòa Bình cho những thành tựu giúp nhiều gia đình trên toàn thế giới thoát nghèo vào năm 2006.
Ông cho rằng Bangladesh cần tiến hành các cải cách toàn diện về kinh tế, quản trị, bộ máy quan chức và hệ thống tư pháp trước khi tiến hành bầu cử.
Chính phủ lâm thời đã thành lập nhiều ủy ban chuyên trách với nhiệm vụ nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cải cách. Theo ông Yunus, các khuyến nghị từ những ủy ban này dự kiến sẽ được công bố vào tháng 1 tới, và quá trình thực thi sẽ là một thử thách lớn.
"Chúng tôi đang xây dựng một 'Bangladesh mới' từ con số không", ông Yunus nhấn mạnh. Ông cho rằng thời điểm bầu cử sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào tiến trình và kết quả của các cải cách. Điều đáng chú ý là ông khẳng định sẽ không tham gia tranh cử, đồng thời kêu gọi những cá nhân có nguyên tắc, tuân thủ quy tắc pháp luật và không tham nhũng ra tranh cử.
Trong bài phỏng vấn, ông Yunus đã có những đánh giá cực kỳ gay gắt về nhiệm kỳ 15 năm của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina. Ông cho rằng trong thời gian cầm quyền, bà Hasina đã "phá hủy mọi thứ".
Nhắc lại diễn biến chính trị gần đây, ông nhấn mạnh đến các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo vào tháng 8. Ban đầu xuất phát từ việc phản đối hạn ngạch trong các công việc dịch vụ công, các cuộc biểu tình đã nhanh chóng lan rộng và leo thang, dẫn đến việc hàng trăm người biểu tình thiệt mạng.
Cuối cùng, bà Hasina đã buộc phải lánh nạn bằng trực thăng sang nước láng giềng Ấn Độ.
Với mục tiêu khôi phục nền dân chủ, ổn định kinh tế và quan trọng nhất là phục hồi niềm tin của công chúng, chính phủ lâm thời cam kết sẽ tiến hành các cải cách triệt để. Ông Yunus nhấn mạnh nhiệm vụ trước mắt là tái thiết các chuẩn mực quản trị đã bị suy thoái trong nhiều năm qua.
Kế hoạch tương lai
Trong bối cảnh chính trị đang chuyển biến, Bangladesh đang định hình lại chiến lược ngoại giao với những định hướng rõ ràng nhằm mở rộng quan hệ hợp tác khu vực và quốc tế.
Ông Muhammad Yunus đã đề xuất một loạt các giải pháp ngoại giao quan trọng, trong đó tâm điểm là khôi phục Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) – một tổ chức đã gần như bị đình trệ do các xung đột địa chính trị.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ. Ông kêu gọi hai nước gác lại những mâu thuẫn, tập trung vào mục tiêu hội nhập khu vực như tự do di chuyển và thúc đẩy kinh doanh xuyên biên giới, theo mô hình của Liên minh châu Âu EU.
Đối với Trung Quốc, Bangladesh thể hiện thiện chí hợp tác. Quyền Thủ tướng Yunus mô tả Bắc Kinh là "bạn" và đánh giá cao sự hỗ trợ của Trung Quốc trong các dự án hạ tầng như đường xá, nhà máy điện và cảng biển.
Đặc biệt, Bangladesh đang nhắm đến việc gia nhập ASEAN - một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bangladesh dự kiến sẽ thoát khỏi danh sách các quốc gia kém phát triển nhất của Liên Hợp Quốc vào năm 2026, không còn hưởng chế độ ưu đãi thuế quan.
Việc gia nhập ASEAN đặt ra nhiều thách thức cạnh tranh cho Bangladesh, theo đánh giá từ tờ Business Standard. Các quốc gia thành viên ASEAN đã chứng minh năng lực vượt trội trong việc đa dạng hóa nền công nghiệp, tận dụng đổi mới để nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu - lĩnh vực mà Bangladesh vẫn còn thua kém.
Hiện nay, ngành sản xuất của Bangladesh vẫn tập trung ở các mảng giá trị gia tăng thấp, với hạn chế đầu tư vào những lĩnh vực như điện tử và công nghệ cao. Mặc dù sở hữu thế mạnh về nông nghiệp, dược phẩm và kỹ thuật nhẹ, nhưng các ngành công nghiệp này của Bangladesh chưa đạt tới quy mô và trình độ cần thiết để cạnh tranh với các nền kinh tế ASEAN.
Chuyên gia kinh tế nhận định, một hiệp định thương mại tự do có thể gây bất lợi cho các ngành mới nổi của Bangladesh, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm và kỹ thuật nhẹ. Khả năng cạnh tranh với các quốc gia như Việt Nam và Indonesia vẫn còn hạn chế.
Trong khu vực nông nghiệp, mặc dù Bangladesh, Campuchia và Myanmar đều có sự phụ thuộc tương đối vào lĩnh vực này, nhưng các quốc gia ASEAN đã chứng minh khả năng vượt trội thông qua việc tích hợp công nghệ để nâng cao năng suất.
Ngành chế biến thực phẩm của Thái Lan là minh chứng rõ nét cho việc đầu tư công nghệ có thể nâng tầm và tăng cao sức cạnh tranh các ngành truyền thống. Với tiềm năng sẵn có, Bangladesh vẫn còn nhiều dư địa để phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng và hiện đại hóa chuỗi cung ứng. Gia nhập ASEAN có thể là cơ hội để quốc gia này đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh các vấn đề kinh tế, Quyền Thủ tướng Bangladesh đã có các trao đổi quan trọng với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim - quốc gia sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN từ tháng 1/2025.
Theo ông Yunus, Thủ tướng Anwar Ibrahim đã bày tỏ thiện chí chào đón Bangladesh. Tuy nhiên, con đường gia nhập vẫn còn nhiều thách thức. Chiến lược hiện tại của Bangladesh là đạt được sự nhất trí sửa đổi định nghĩa thành viên ASEAN và tiếp cận danh nghĩa "Đối tác Đối thoại theo Ngành".
Một trong những vấn đề quan trọng mà Bangladesh đang tìm kiếm giải pháp là cuộc khủng hoảng người Rohingya. Ông Yunus khẳng định đất nước không thể vô thời hạn tiếp nhận cộng đồng tị nạn này.
Giải pháp được đề xuất là thành lập một vùng an toàn do Liên Hợp Quốc quản lý tại Myanmar. Mục tiêu là tạo điều kiện để người Rohingya có thể quay trở lại quê hương một cách an toàn, sau khi tình hình chính trị ổn định.
"Chúng ta cần một đích đến rõ ràng và mục tiêu chung để giải quyết cuộc khủng hoảng này", ông Yunus nhấn mạnh.
Theo Nikkei Asia, Business Standards