'Theo chân' Mỹ, thị trường chứng khoán châu Âu sẽ áp dụng T+1
(Thị trường tài chính) - Tương tự với Mỹ, thị trường chứng khoán châu Âu được cho là đang chuẩn bị chuyển sang chu kỳ thanh toán T+1. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi ở khu vực này có thể phức tạp và tốn kém hơn.
Chuyển sang chu kỳ thanh toán T+1
Tương tự với Mỹ, thị trường chứng khoán châu Âu được cho là đang chuẩn bị chuyển sang chu kỳ thanh toán T+1 - nghĩa là giao dịch ở ngày thứ hai thì việc thanh toán diễn ra vào thứ ba (giả sử không có ngày nghỉ lễ giữa hai ngày).
Theo quan chức Antonio Ocanã Alvarez, Cơ quan Giám sát Thị trường và Chứng khoán Châu Âu (ESMA) đang cân nhắc lựa chọn quý IV/2027, quý I/2028 hoặc quý IV/2028 làm thời điểm tiềm năng nhằm chuyển sang chu kỳ thanh toán T+1.
Trong một cuộc thăm dò vào thứ 4, khoảng 70% số người được hỏi đề nghị việc chuyển đổi diễn ra vào năm 2027.
Được biết, Mỹ, Canada và một số quốc gia khác đã chuyển sang chu kỳ thanh toán T+1 vào cuối tháng 5. Người đứng đầu cơ quan quản lý tài chính của EU, Mairead McGuinness cho rằng: “Câu hỏi không còn là liệu nó có xảy ra hay không mà là khi nào điều đó sẽ xảy ra và diễn biến như thế nào?”. Vương quốc Anh cũng nói sẽ thực hiện động thái này vào cuối năm 2027.
“Quý IV/2027 có lẽ khả thi”, Sebastijan Hrovatin, một quan chức chính sách tại Ủy ban châu Âu (EC) cho biết. Theo ông, hiện tại vẫn chưa có quyết định nào ở cấp độ chính trị, nhưng về cơ bản, các quan chức đang giải quyết các rào cản kỹ thuật liên quan đến việc chuyển sang T+1.
Theo đó, các tổ chức tài chính trên toàn cầu đã chuẩn bị cho việc chuyển đổi chu kỳ thanh toán sang T+1 ở Mỹ bằng cách điều chuyển nhân sự, điều chỉnh ca làm việc và thay đổi quy trình công việc. Những sự chuẩn bị đó có vẻ đã đem lại nhiều kết quả tích cực khi quá trình chuyển đổi khá suôn sẻ cho đến hiện tại.
Thách thức của châu Âu
Trong bài phát biểu của Công ty Ủy thác Lưu ký và Bù trừ (DTCC) tại phiên điều trần của ESMA, chỉ số đo lường về thất bại trong giao dịch của Mỹ đã tăng cao hơn lên 2,3% sau quá trình chuyển đổi sang T+1, cao hơn so với mức trung bình tháng 5 theo T+2 là 2,01%. Các tỷ lệ này có sự “nhất quán” nhưng vẫn có lo ngại rằng chúng có thể tăng mạnh.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi ở châu Âu có thể phức tạp và tốn kém hơn vì khu vực này thiếu một thị trường vốn thống nhất. Các nhà quản lý tài sản, ngân hàng lo ngại rằng việc giải quyết các giao dịch trên cơ sở T+1 có thể gây ra sự gián đoạn, theo tổng hợp các câu trả lời cho cuộc tham vấn ESMA được công bố đầu năm nay,
Viễn cảnh 3 năm không liên kết với Mỹ là thách thức đối với các sản phẩm đầu tư vào chứng khoán từ cả hai khu vực pháp lý. Vương quốc Anh cho biết họ sẽ cố gắng điều chỉnh động thái của mình với EU nếu có thể.