Hàng loạt đại học Mỹ chấm dứt hợp tác với Trung Quốc
(Thị trường tài chính) - Quan hệ học thuật Mỹ-Trung đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng giữa lo ngại về an ninh quốc gia và sự phụ thuộc vào công nghệ chiến lược.
Đại học Michigan, Mỹ vừa tuyên bố chấm dứt quan hệ đối tác kéo dài gần 20 năm với Đại học Giao thông Thượng Hải. Quyết định được công bố ngày 10/1, sau khi ủy ban đặc biệt của Hạ viện Mỹ cảnh báo về mối liên hệ giữa trường đại học Trung Quốc với chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự của Bắc Kinh.
Động thái này diễn ra sau khi 5 sinh viên Trung Quốc tại Michigan bị cáo buộc che giấu hoạt động gần khu vực quân sự nhạy cảm hồi tháng 10/2024.
"An ninh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu", Hiệu trưởng trường Đại học Michigan Santa Ono khẳng định, mặc dù thừa nhận vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn cầu.
Tuy không nằm trong danh sách đen của chính phủ Mỹ, Đại học Giao thông Thượng Hải - một cơ sở đào tạo hàng đầu về khoa học kỹ thuật của Trung Quốc - đã bị Viện Chính sách Chiến lược Úc xếp vào nhóm "rủi ro cao" do mối liên hệ với lĩnh vực quốc phòng.
Quan hệ hợp tác giữa hai trường bắt đầu từ năm 2005, tập trung vào việc trao đổi sinh viên và cấp bằng kỹ sư song ngữ. Theo văn phòng hiệu phó Đại học Michigan, hơn 1.000 sinh viên đã được hưởng lợi từ chương trình này.
Chủ tịch ủy ban Hạ viện về Trung Quốc, nghị sĩ John Moolenaar - đảng Cộng hòa, đã hoan nghênh động thái của Đại học Michigan, đồng thời cảnh báo về mối nguy từ việc các trường đại học Mỹ hợp tác nghiên cứu công nghệ quan trọng với Trung Quốc, bao gồm vũ khí, trí tuệ nhân tạo và vật lý hạt nhân.
Làn sóng chấm dứt hợp tác đang lan rộng trong giới học thuật Mỹ. Tháng 9/2024, Học viện Công nghệ Georgia đã đóng cửa các cơ sở tại Thâm Quyến và Thiên Tân. Đại học Alfred (New York) cũng tuyên bố sẽ đình chỉ hoạt động Viện Khổng Tử - chương trình văn hóa do Bắc Kinh tài trợ.
Áp lực chính trị đối với các mối quan hệ học thuật Mỹ-Trung ngày càng tăng. Tại Florida, nhiều thỏa thuận hợp tác giáo dục đã bị hủy bỏ sau khi tiểu bang thắt chặt quy định phê duyệt.
Tuy nhiên, vẫn có những tiếng nói ngược chiều. Năm 2023, trong khi Trường Luật Beasley (thuộc Đại học Temple, Mỹ) khởi động chương trình trao đổi với Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Bắc, Đại học Harvard cũng thiết lập quan hệ đối tác mới với Đại học Phục Đán (Thượng Hải).
"Giáo dục đại học tồn tại lâu hơn các khoảnh khắc chính trị", GS William Kirby, người đứng đầu chương trình Harvard-Phục Đán nhấn mạnh, phản ánh quan điểm về tầm quan trọng của hợp tác học thuật xuyên biên giới bất chấp căng thẳng địa chính trị.
Năm 2023, ông L. Rafael Reif, cựu Hiệu trưởng Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), khuyến nghị các đại học Mỹ không nên cắt đứt quan hệ hợp tác với Trung Quốc, bất chấp căng thẳng an ninh gia tăng. Ông cảnh báo rằng việc hạn chế hoặc cắt đứt hợp tác với các nhà khoa học Trung Quốc có thể làm chậm tiến bộ khoa học và công nghệ của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển cũng đem lại lợi ích hợp tác to lớn cho đôi bên.
Ông Reif chỉ ra rằng phần lớn các nghiên cứu sinh tiến sĩ quốc tế, bao gồm gần 75% sinh viên Trung Quốc, có xu hướng ở lại Hoa Kỳ sau khi hoàn thành học tập, đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ của quốc gia.
Trong một bài phân tích trên tờ Foreign Affairs, có dẫn chứng rằng trong quá khứ, các mối quan hệ khoa học đã giúp đạt được các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và giải quyết các vấn đề quốc tế phức tạp. Các nhà khoa học quốc tế, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, đã hợp tác để nghiên cứu biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề như lỗ thủng tầng ozone.
Những nghiên cứu này đã dẫn đến việc ký kết Nghị định thư Montreal năm 1987, một trong những thành công lớn trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Những người phản đối sự ‘phân cực học thuật’ trong bối cảnh chính trị phức tạp cũng cho rằng hợp tác khoa học sẽ đóng vai trò như một hình thức ngoại giao, giúp xây dựng cầu nối và tạo ra ảnh hưởng địa chính trị tích cực.
Theo SCMP, Foreign Affairs