HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ông Trump mất những quyền công dân nào sau khi bị kết tội trong vụ án ‘chi tiền bịt miệng’

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ bị kết án hình sự trong lịch sử, mặc dù không phải ngồi tù nhưng bản án có để lại hệ lụy đối với quyền công dân và hành trình chính trị của ông trong tương lai.

Cựu Tổng thống Donald Trump vừa đi vào lịch sử nước Mỹ khi trở thành tổng thống đầu tiên bị kết án hình sự. Phán quyết được tòa án New York đưa ra ngày 10/1 liên quan đến cáo buộc chi trả tiền "im lặng" cho một diễn viên phim người lớn.

Mặc dù không phải chịu án tù giam, nộp phạt hay thực hiện dịch vụ cộng đồng, song phán quyết này để lại những hệ lụy đáng kể đối với quyền công dân của ông Trump. Thẩm phán đã kết thúc phiên tòa với quyết định thả tự do vô điều kiện, tuy nhiên hồ sơ phạm tội sẽ vẫn theo ông Trump trong tương lai.

Ông Trump mất những quyền công dân nào sau khi bị kết tội trong vụ án ‘chi tiền bịt miệng’ - ảnh 1
Ông Donald Trump (trái) và luật sư bào chữa Todd Blanche xuất hiện trên màn hình tại tòa án hình sự Manhattan ở New York ngày 10/1/2025

Quyền bầu cử

Tại Florida - nơi ông Trump đăng ký cư trú và bỏ phiếu, luật pháp chỉ cấm quyền bầu cử đối với người bị kết án tại chính bang này. Điều khoản này không áp dụng với những công dân bị kết án ở tiểu bang khác như trường hợp của ông Trump.

Theo luật Florida, chỉ những người phạm tội giết người hoặc tội phạm tình dục mới bị tước quyền bầu cử vĩnh viễn, trừ khi được hội đồng ân xá phục hồi. Đối với các trọng tội khác, quyền bầu cử sẽ được khôi phục sau khi thi hành xong bản án.

Tại New York - nơi ông Trump bị kết án, luật pháp chỉ tước quyền bầu cử trong thời gian thụ án tù giam. Khi được trả tự do, công dân sẽ lấy lại quyền này.

Quyền sở hữu súng

Hệ quả nghiêm trọng nhất từ bản án này là ông Trump sẽ mất quyền sở hữu súng theo quy định của luật liên bang. Đây là quy định bắt buộc áp dụng với mọi công dân bị kết án trọng tội.

Cung cấp dữ liệu y tế bắt buộc

Theo luật, mọi người bị kết tội trọng tội ở New York phải cung cấp mẫu DNA cho ngân hàng dữ liệu tội phạm của tiểu bang.

Mẫu được thu thập sau khi tuyên án, thường là khi bị cáo trình diện tại trại quản chế, nhà tù hoặc trại giam. Mẫu cũng có thể được lấy bởi tòa án hoặc viên chức cảnh sát.

Đây là một quá trình không xâm lấn bao gồm việc lấy mẫu bằng tăm bông dọc theo bên trong má. Cảnh sát tiểu bang phân tích các tế bào và vật liệu di truyền, tạo ra một hồ sơ sau đó được nhập vào ngân hàng dữ liệu.

Ở đó, công nghệ tiếp quản, thực hiện tìm kiếm tự động và so sánh hồ sơ của những người bị kết án phạm tội với hồ sơ DNA thu thập được tại hiện trường vụ án. Sự trùng khớp có thể được sử dụng để xác định nghi phạm trong một vụ án chưa được giải quyết.

Ngân hàng dữ liệu của New York chứa hồ sơ của hơn 720.000 tội phạm và được kết nối với Hệ thống chỉ số DNA kết hợp của FBI.

Ảnh hưởng lên quá trình nhậm chức Tổng thống Mỹ

Đáng chú ý, Hiến pháp và luật liên bang Hoa Kỳ không có điều khoản nào cấm người có tiền án trọng tội tranh cử tổng thống.

Mặc dù nhiều tiểu bang có quy định hạn chế người có tiền án tranh cử các chức vụ cấp tiểu bang và địa phương, những quy định này không áp dụng với các chức vụ liên bang. Một số nơi yêu cầu phải được ân xá hoặc xóa án trước khi được phép ra tranh cử cấp bang.

Như vậy, về mặt pháp lý, bản án này không ảnh hưởng tới tiến trình lễ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ vào ngày 20/1 tới tại Washington DC.

Theo SCMP

 

Ý kiến bạn đọc