Thế giới 'ngồi trên đống nợ' 91 nghìn tỷ USD, nguy cơ vỡ nợ toàn cầu?
Chính phủ các nước đang phải đối mặt với thách thức to lớn trong việc kiểm soát nợ ngày càng tăng, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế và các dịch vụ công thiết yếu.
Ngay nay, tổng nợ công của các chính phủ trên toàn cầu đã lên tới con số khổng lồ 91 nghìn tỷ USD, gần bằng quy mô của toàn bộ nền kinh tế thế giới. Quả bom nợ này nếu phát nổ sẽ gây ra hậu quả nặng nề cho người dân khắp nơi, nhất là ở các nước đang phát triển.
Gánh nặng nợ công đã tăng vọt trong những năm gần đây, một phần do chi phí ứng phó với đại dịch COVID-19. Điều này đang tạo ra mối đe dọa ngày càng lớn đối với mức sống của người dân, ngay cả ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc bầu cử rộn ràng tại nhiều nước suốt năm qua, các chính trị gia dường như đang phớt lờ vấn đề này. Họ né tránh việc thông tin cho cử tri về các chính sách thuế và cắt giảm chi tiêu cần thiết để giải quyết tình trạng vay mượn ồ ạt.
Những ứng viên lãnh đạo này còn đưa ra những lời hứa hào phóng về chính sách tốn kém, sẽ làm tăng lạm phát và tiềm ẩn nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã một lần nữa cảnh báo rằng "tình trạng thâm hụt tài chính kinh niên" ở Mỹ cần được "giải quyết khẩn cấp". Các nhà quan sát thị trường từ lâu đã lo ngại về xu hướng dài hạn của ngân sách Mỹ. Nhất là những chuyên gia đã “sống sót” sau cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ông Roger Hallam, Giám đốc toàn cầu về lãi suất tại Vanguard - một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, nhận định với CNN: "Tình trạng thâm hụt liên tục và gánh nặng nợ gia tăng hiện nay đã khiến điều đó trở thành mối lo ngại lớn hơn trong trung hạn".
Khi gánh nặng nợ nần chồng chất trên toàn cầu, các nhà đầu tư càng thêm lo lắng. Tại Pháp, biến động chính trường đã làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nợ công, khiến lợi suất trái phiếu tăng vọt. Mặc dù kết quả vòng đầu tiên của cuộc bầu cử vừa qua cho thấy một số kịch bản xấu nhất có thể không xảy ra, các nhà đầu tư vẫn yêu cầu lợi suất cao hơn để mua nợ của nhiều Chính phủ khi thâm hụt ngân sách ngày càng lớn.
Chi phí trả nợ tăng cao đồng nghĩa với việc ngân sách dành cho các dịch vụ công thiết yếu sẽ bị cắt giảm, đồng thời khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng như suy thoái kinh tế, đại dịch hay chiến tranh cũng bị hạn chế. Hơn nữa, do lợi suất trái phiếu chính phủ được dùng để định giá các khoản nợ khác, việc lợi suất tăng cũng đồng nghĩa với chi phí vay vốn cao hơn đối với hộ gia đình và doanh nghiệp, gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế.
Giáo sư Karen Dynan, cựu Kinh tế gia trưởng tại Bộ Tài chính Mỹ và hiện đang giảng dạy tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, cho rằng để giải quyết vấn đề nợ của Mỹ, cần phải tăng thuế hoặc cắt giảm phúc lợi, chẳng hạn như các chương trình an sinh xã hội và bảo hiểm y tế. Bà nhấn mạnh: "Nhiều chính trị gia không muốn đề cập đến những lựa chọn khó khăn cần phải thực hiện. Việc đánh đổi cần những cân nhắc nghiêm túc và có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân".
Giáo sư Kenneth Rogoff, chuyên gia kinh tế tại Đại học Harvard, cũng đồng tình rằng Mỹ và các quốc gia khác sẽ phải thực hiện những điều chỉnh đau đớn. Ông nói với CNN: "Nợ không còn 'miễn phí' nữa".
Quan điểm này luôn sai lầm, bởi nợ chính phủ có thể được ví như một khoản thế chấp với lãi suất linh hoạt. Khi lãi suất tăng mạnh, khoản thanh toán lãi sẽ tăng theo một cách đáng kể. Hiện tượng này đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, gây áp lực lớn lên ngân sách của nhiều quốc gia.
Gánh nặng lên nền kinh tế
Trong năm tài chính hiện tại, chính phủ Mỹ sẽ phải chi 892 tỷ USD cho các khoản thanh toán lãi suất nợ công, vượt qua cả ngân sách quốc phòng và sắp vượt qua cả chương trình y tế - an sinh xã hội Medicare.
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), năm tới, Mỹ sẽ phải trả hơn 1 nghìn tỷ USD lãi suất cho khoản nợ quốc gia hơn 30 nghìn tỷ USD - gần bằng quy mô nền kinh tế Mỹ. Chưa dừng lại ở đó, CBO dự đoán nợ của Mỹ sẽ tăng lên mức 122% GDP trong 10 năm tới và 166% GDP vào năm 2054. Điều này sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng khi nợ đạt 150% hoặc 180% so với GDP, tình hình sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế và xã hội nói chung. Tuy nhiên, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2024 như Joe Biden và Donald Trump đều không đưa ra cam kết cụ thể về kỷ luật tài khóa. Tại Anh, các đảng chính trị cũng bị chỉ trích vì "sự im lặng" khi được hỏi về tình trạng tài chính công tồi tệ của đất nước.
Nhiều quốc gia phát triển cũng đang gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề nợ. Đức đang trải qua cuộc tranh cãi nội bộ chính phủ về giới hạn nợ, trong khi ở Kenya - một cường quốc châu Phi, đề xuất tăng thuế để giải quyết gánh nặng nợ 80 tỷ USD đã gây ra các cuộc biểu tình bạo lực của người dân trên toàn quốc, cướp đi sinh mạng của 39 người, khiến Tổng thống William Ruto của nước này phải tuyên bố ngừng ban hành chính sách vô thời hạn.
Nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu
Mặc dù gây tranh cãi nhưng những biện pháp siết chặt tài chính vẫn thúc giục các nhà lãnh đạo hành động, nếu không muốn những hậu quả khủng khiếp xảy ra trên quy mô toàn cầu.
Ví dụ điển hình là sự sụp đổ của đồng bảng Anh năm 2022 khi cựu Thủ tướng Liz Truss đề xuất cắt giảm thuế lớn được tài trợ bằng việc tăng vay nợ. Tại Pháp, nguy cơ khủng hoảng tài chính cũng trở nên nghiêm trọng sau khi Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi bầu cử sớm trước sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu, gây lo ngại về việc bầu ra một quốc hội theo chủ nghĩa dân túy có thể làm tăng nợ và thâm hụt ngân sách.
Giáo sư Karen Dylan tại Trường Harvard Kennedy cảnh báo rằng thị trường tài chính có thể nhanh chóng trở nên bất ổn do "rối loạn chính trị", khiến các nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng trả nợ của chính phủ.
Sự mất niềm tin rộng rãi trong công chúng và các chủ nợ có thể kéo một nền kinh tế hùng mạnh vào vòng xoáy bất tận của suy thoái kinh tế - xã hội.
Theo CNN