Thành phố được ví như ‘London của Đông Nam Á’, cấm xe máy từ năm 2003 dù hệ thống giao thông công cộng lạc hậu hơn Việt Nam
(Thị trường tài chính) - Hình ảnh những chiếc ô tô nối dài đã giúp thành phố này được ví như “London của Đông Nam Á”. Tuy nhiên, việc cấm hoàn toàn xe máy đã ảnh hưởng không nhỏ đến người dân.
Dù sở hữu hệ thống giao thông công cộng lạc hậu hơn Việt Nam, Myanmar vẫn cấm xe máy hoạt động tại Yangon, thành phố lớn nhất đất nước ngay từ năm 2003. Theo đó, nếu không tuân thủ, người dân có thể bị phạt khoảng 20.000 Kyat (khoảng 150.000 đồng), thậm chí là bị thu giữ phương tiện.
Về ưu điểm, lệnh cấm này giúp số vụ tai nạn giao thông cũng như tình trạng cướp giật giảm đáng kể; vấn đề ô nhiễm môi trường cũng được cải thiện. Đặc biệt, hình ảnh những chiếc ô tô nối dài đã giúp thành phố được ví như “London của Đông Nam Á”.
Tuy nhiên, việc cấm hoàn toàn xe máy đã ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại cũng như tạo ra tác động không nhỏ tới tài chính của người dân.
Tốc độ di chuyển trung bình ở khu vực trung tâm Yangon đã giảm từ 38km/h xuống chỉ còn 10km/h, theo India Times. Thậm chí, thời gian chuyển phát hàng trung bình ở thành phố này đã lên tới 50 phút, gấp rưỡi so với thành phố lớn thứ hai Myanmar là Mandalay (chỉ khoảng 32 phút).
Hệ thống giao thông công cộng của Myanmar cũng còn lạc hậu. Các tuyến xe bus luôn đông đúc và có hiện tượng chen lấn. “Mỗi ngày tôi phải đợi xe buýt số 89 YBS gần hai tiếng. Và khi tới bến, xe luôn đầy hành khách. Nó không thuận tiện cho chúng tôi”, một người dân Yangon cho biết.
Hệ thống xe bus tại thành phố cũng còn nhiều hạn chế. “Xe bus rất hiếm", một người dân Yangon nói với The Irrawaddy. Thậm chí, người này còn chia sẻ rằng có lúc 45 phút mới có một chuyến. Điều này khiến việc đi lại của người dân càng thêm khó khăn.
Hơn nữa, trong những tháng mùa hè, nhược điểm của lệnh cấm xe máy càng rõ rệt. Theo chia sẻ của Than Toe Aung, một người giao hàng của FoodPanda tại thành phố Yangon, anh đã phải làm đủ mọi cách để có thể giao hàng trên một chiếc xe đạp.
Toe Aung không đủ tiền mua một chiếc ô tô, vì vậy, giữa cái nóng gay gắt của mùa hè, anh đã làm việc rất vất vả. Anh phải làm mọi cách để có thể che chắn cho bản thân, như đội mũ, mặc áo sơ mi dài tay, đi tất dài và đeo găng tay. Anh còn bôi một loại hỗn hợp truyền thống gọi là thanaka lên mỗi bên má để chống nắng.
Vì thời tiết cũng như phương tiện di chuyển, Toe Aung chia sẻ rằng nhiều người giao hàng bằng xe đạp chỉ có thể kiếm được khoảng 10-15 USD mỗi ngày, tương đương 250.000-380.000 đồng. Một người chở xích lô cũng nói thu nhập bị ảnh hưởng.
Đáng chú ý, lệnh cấm xe máy cũng ảnh hưởng tới các doanh nghiệp. Một bài viết trên The Economist từng chỉ ra việc cấm xe máy đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của nhiều công ty tại Yangon.
Nếu trước đây, các công ty, cửa hàng bán đồ ăn…có thể giao hàng bằng xe máy thì nay họ phải sử dụng đến ô tô, xe tải, xe đạp…để vận chuyển hàng hóa. Điều này khiến chi phí giao hàng tăng cao.
Chưa hết, dù không còn xe máy trên đường nhưng tình trạng tắc đường do ô tô gây ra cũng không phải vấn đề nhỏ. Bởi lẽ, ô tô ở thành phố này nhiều và đỗ ngay trên đường nên tình trạng ùn tắc là điều thường xuyên xảy ra.
Có thể thấy, sau hơn hai thập kỷ áp dụng lệnh cấm xe máy ở Yangon, Chính phủ Myanmar vẫn chưa thể áp dụng lệnh cấm xe máy ở các thành phố lớn khác.
Tổng hợp