Tên lửa Trung Quốc nổ tan tành khiến hơn 1.100 vệ tinh và các vật thể khác gặp nguy hiểm
(Thị trường tài chính) - Sự cố liên quan đến một tầng tên lửa đẩy gắn mác “made in China” vừa qua đã gây ra không ít lo ngại về tác động xấu của nó đến môi trường Trái Đất trong nhiều năm tới.
Một tầng tên lửa đẩy của Trung Quốc đã phát nổ trong không gian vào tuần này, tạo ra hơn 700 mảnh vỡ, khiến hơn 1.100 vệ tinh và các vật thể khác trong khu vực có lưu lượng giao thông cao trên quỹ đạo Trái Đất có nguy cơ va chạm nguy hiểm, các nhà phân tích cho biết vào thứ Sáu (9/8).
Công ty Công nghệ Vệ tinh Không gian Thượng Hải (SSST) thuộc sở hữu Nhà nước Trung Quốc đã phóng 18 vệ tinh internet lên quỹ đạo vào thứ Ba (6/8). Đây là một phần trong nỗ lực phát triển mạng lưới truyền thông sẽ thách thức mạng Starlink khổng lồ của SpaceX (công ty của tỷ phú Mỹ Elon Musk).
Theo hãng thông tấn Reuters, vụ nổ dường như đã xảy ra ngay sau khi triển khai tải trọng, tạo ra một bãi rác vũ trụ ngày càng lớn mà các công ty theo dõi không gian của Hoa Kỳ ước tính cho đến nay đã tạo ra ít nhất 700 mảnh vỡ.
Cũng theo Reuters, SSST đã không trả lời yêu cầu bình luận về thông tin trên. Trong khi đó, công ty theo dõi không gian Hoa Kỳ LeoLabs cho biết có khả năng số lượng mảnh vỡ của tầng tên lửa đẩy của Trung Quốc vượt quá con số 900, khiến sự kiện này trở thành một trong những sự cố không gian lớn nhất từ trước đến nay. Đám mây mảnh vỡ, được tạo ra ở độ cao khoảng 800km, sẽ kéo dài trong nhiều năm, một số nhà phân tích cho biết.
Người ta không rõ liệu vụ vỡ thân tên lửa “made in China” mới nhất này là do va chạm với một vật thể khác hay do nhiên liệu tên lửa chưa sử dụng phát nổ trên tàu. Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ ban đầu cho biết sự kiện này đã tạo ra 300 mảnh vỡ, một con số được cho là có khả năng tăng lên khi đám mây mảnh vỡ tan biến.
Ông Audrey Schaffer, Phó Chủ tịch chiến lược tại công ty theo dõi không gian Slingshot Aerospace, nói với Reuters rằng hơn 1.100 vệ tinh và các vật thể khác trong không gian vũ trụ có nguy cơ va chạm với các mảnh vỡ của Trung Quốc.
“Hiện tại, chúng tôi đang thấy có hơn 1.100 dự đoán về những sự cố tiếp cận gần ở khoảng cách dưới 5km trong 3 ngày tới”, ông Schaffer nói và cho biết thêm rằng khoảng 1/3 trong số các đối tượng có nguy cơ va chạm là các tàu vũ trụ đang hoạt động, có khả năng điều chỉnh hướng để tránh va chạm.
Vị chuyên gia ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ này còn cho rằng phần còn lại của các vật thể là những mảnh rác vũ trụ hiện không thể kiểm soát được và không có cách nào tránh được các mảnh vỡ mới, làm dấy lên lo ngại của nhiều nhà phân tích về nguy cơ va chạm liên tiếp.
Một tên lửa đẩy Trường Chinh 6A vào năm 2022 cũng phát nổ trong không gian và tạo ra hàng trăm mảnh vỡ, khiến Trung Quốc bị các nước phương Tây và những người ủng hộ sự bền vững của ngành không gian chỉ trích, cho rằng Bắc Kinh nên kiểm soát tốt hơn cách xử lý thân tên lửa đã qua sử dụng.
“Thực sự thì rất thất vọng khi tên lửa lại gặp vấn đề tương tự một lần nữa”, ông Schaffer nói. “Những sự cố tạo ra rác vũ trụ như thế này, vốn có thể tránh được, không nên tái diễn”.
Theo Reuters