Tàu vũ trụ lớn nhất của NASA bắt đầu sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất
(Thị trường tài chính) - Trong một sứ mệnh đầy tham vọng, NASA đã phóng tàu vũ trụ từ Florida để khám phá Europa, một trong những vệ tinh tự nhiên lớn nhất của sao Mộc, có điều kiện phù hợp để hỗ trợ sự sống hay không, tập trung vào đại dương ngầm khổng lồ được cho là tồn tại dưới lớp băng dày của nó.
Ngày 14/10, tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA đã rời khỏi Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Cape Canaveral trên một tên lửa SpaceX Falcon Heavy dưới bầu trời đầy nắng.
Tàu thăm dò chạy bằng năng lượng mặt trời dự kiến sẽ đi vào quỹ đạo quanh sao Mộc vào năm 2030 sau khi di chuyển khoảng 1,8 tỷ dặm (2,9 tỷ km) trong 5 năm rưỡi. Kế hoạch phóng tàu ban đầu đã được dự định vào tuần trước nhưng phải hoãn lại do cơn bão Milton.
Đây là tàu vũ trụ lớn nhất mà NASA từng chế tạo cho một sứ mệnh hành tinh, dài khoảng 100 feet (30,5m) và rộng khoảng 58 feet (17,6m) khi các ăng-ten và mảng pin năng lượng mặt trời của nó được triển khai hoàn toàn, lớn hơn một sân bóng rổ, và nặng khoảng 13.000 pound (6.000 kg).
Mặc dù có kích thước chỉ bằng một phần tư Trái Đất, Europa - vệ tinh thứ tư lớn nhất của sao Mộc - lại sở hữu một đại dương ngầm rộng lớn chứa lượng nước gấp đôi so với tất cả các đại dương trên Trái Đất. Điều này khiến Europa trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá cho sự sống ngoài hành tinh trong hệ Mặt Trời.
Với đường kính khoảng 3.100km, Europa được bao phủ bởi một lớp băng dày từ 15-25 km. Dưới lớp băng này là một đại dương sâu từ 60-150 km, nơi các nhà khoa học tin rằng có thể tồn tại những điều kiện thuận lợi cho sự sống phát triển.
Trong cuộc họp báo trước khi phóng tàu, ông Jim Free, quản trị viên phụ trách của NASA, đã khẳng định Europa là một trong những "ứng cử viên sáng giá nhất" cho sự sống ngoài Trái Đất trong hệ Mặt Trời. Mặc dù nhấn mạnh rằng sứ mệnh này chưa phải là cuộc săn lùng sinh vật sống, ông Free cho rằng: "Những khám phá trên Europa sẽ mở ra những chân trời mới cho ngành sinh học vũ trụ và giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vị trí của mình trong vũ trụ".
"Europa có thể đang ẩn chứa sự sống dưới lớp băng dày đặc của mình", bà Sandra Connelly, Phó Quản trị viên của bộ phận sứ mệnh khoa học NASA, chia sẻ. "Các nhà khoa học tin rằng nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết cho sự sống như nước, nguồn năng lượng, các hợp chất hóa học và môi trường ổn định".
Nhiệm vụ chính của tàu vũ trụ Europa Clipper là khám phá đại dương ngầm và lớp băng bao phủ bên trên, lập bản đồ chi tiết thành phần bề mặt của mặt trăng, đồng thời tìm kiếm những cột hơi nước phun trào từ các vết nứt trên lớp vỏ băng. Dự kiến từ năm 2031, Europa Clipper sẽ thực hiện 49 lần bay sát qua Europa trong vòng 3 năm, tiến đến gần bề mặt mặt trăng chỉ 16 dặm (25 km).
Môi trường xung quanh sao Mộc, hành tinh khí khổng lồ nhất Hệ Mặt Trời, vô cùng khắc nghiệt. Từ trường của sao Mộc mạnh gấp khoảng 20.000 lần Trái Đất, tạo ra một "bức tường lửa" bức xạ có khả năng làm hỏng bất kỳ thiết bị điện tử nào. NASA đã chế tạo một khoang bằng titan và nhôm bên trong Europa Clipper để bảo vệ các thiết bị điện tử nhạy cảm khỏi bức xạ này.
"Một trong những thách thức lớn nhất của sứ mệnh Europa Clipper là làm sao để chế tạo được một tàu vũ trụ đủ cứng cáp để chịu được bức xạ mạnh từ sao Mộc, nhưng cũng đủ nhạy để thu thập các dữ liệu cần thiết để điều tra môi trường của Europa", Connelly nói.
NASA cho biết Europa Clipper được trang bị hơn 6.060 pound (2.750 kg) nhiên liệu thực hiện hành trình đến sao Mộc. Khi phóng, tàu vũ trụ được đặt bên trong mũi tên lửa để bảo vệ.
Tàu vũ trụ sẽ không bay thẳng đến sao Mộc. Thay vào đó, nó sẽ bay ngang qua sao Hỏa, sau đó quay lại gần Trái Đất, sử dụng lực hấp dẫn của mỗi hành tinh để tăng tốc như một chiếc ná bắn đá. Các tấm pin năng lượng mặt trời rộng lớn, được gấp lại khi phóng, sẽ thu ánh sáng mặt trời để cung cấp năng lượng cho chín thiết bị khoa học của tàu vũ trụ cũng như hệ thống điện tử và các hệ thống khác.
Theo Reuters