HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Siêu dự án sông nhân tạo lớn nhất thế giới: Trải dài 2.820km, 'làm cho sa mạc nở hoa' và được ví là kỳ quan thứ 8 của nhân loại

Diệp Thảo

(Thị trường tài chính) - Trải dài 2.820km, mạng lưới đường ống và cống dẫn nước này được coi là hệ thống nước ngầm lớn nhất thế giới.

Bắc Phi, nổi tiếng với những sa mạc rộng lớn và nguồn nước tự nhiên khan hiếm, đã thực hiện một trong những dự án cung cấp nước đầy tham vọng từ cách đây hơn nửa thế kỷ. Siêu dự án Great Man-Made River của Libya vẫn là nguồn sống quan trọng của hàng triệu người, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong những năm gần đây.

Nguồn gốc của dự án bắt nguồn từ năm 1953, trong thời kỳ bùng nổ dầu mỏ của Libya. Trong quá trình tìm kiếm dầu mỏ, các nhà địa chất đã có một phát hiện bất ngờ - các tầng ngậm nước dưới lòng đất chứa nước cổ, một số có niên đại cách đây 38.000 năm.

Những hồ chứa này, ẩn sâu bên dưới sa mạc Sahara, đã đưa ra giải pháp tiềm năng cho tình trạng thiếu nước dai dẳng của Libya.

Tuy nhiên, dự án không được triển khai cho đến năm 1969. Chỉ cho đến khi chính quyền Muammar Gaddafi lên nắm quyền, khái niệm khai thác các tầng chứa nước này mới thực sự được chú ý. Ông Gaddafi nhìn thấy tiềm năng biến đổi cảnh quan khô cằn của Libya và đã khởi xướng dự án Great Man-Made River với mục tiêu "làm cho sa mạc nở hoa". Gaddafi khi còn sống đã miêu tả nó là "Kỳ quan thứ tám của thế giới" và coi dự án là một món quà cho Thế giới thứ ba.

Quy mô ‘khủng’ chưa từng có trong lịch sử

Trải dài 2.820km, mạng lưới đường ống và cống dẫn nước này được coi là hệ thống nước ngầm lớn nhất thế giới. Về mặt tài nguyên thiên nhiên, công trình giống như một mỏ dầu uống được.

Siêu dự án sông nhân tạo lớn nhất thế giới: Trải dài 2.820km, 'làm cho sa mạc nở hoa' và được ví là kỳ quan thứ 8 của nhân loại - ảnh 1
Siêu dự án Great Man-Made River. Ảnh: Internet

Mạng lưới này kết nối các tầng chứa nước phía Nam với các trung tâm dân số lớn dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, bao gồm Tripoli và Benghazi.

Nước cổ ở Libya chủ yếu nằm trong bốn lưu vực ngầm rộng lớn. Lưu vực lớn nhất trong số đó là lưu vực Kufra gần Ai Cập, trải rộng trên 350.000km2. Tầng ngậm nước ở đó rộng 200.000km và sâu 2.000m. Ở lưu vực Sirte, tầng ngậm nước sâu 600m có diện tích đá chứa nước vào khoảng 10.000km2. Lưu vực Murzuk bao phủ 450.000km2, với khoảng 4.800km2 đá chứa nước.

Các nguồn nước bổ sung nằm ở lưu vực Hamadah và Kufrah, trải dài từ khu vực Qargaf Arch và Jabal Sawda cho đến tận bờ biển Địa Trung Hải của Libya.

Siêu dự án sông nhân tạo lớn nhất thế giới: Trải dài 2.820km, 'làm cho sa mạc nở hoa' và được ví là kỳ quan thứ 8 của nhân loại - ảnh 2

Nước sạch được khai thác từ các các nguồn nước ngầm trữ trong các vỉa có tuổi thọ 38.000 năm nằm ngay bên dưới sa mạc Sahara. Ảnh: Internet

Công trình bắt đầu xây dựng vào năm 1984, đánh dấu sự khởi đầu của một dự án nhiều giai đoạn kéo dài hàng thập kỷ. Thành công đầu tiên đến vào năm 1989 khi nước chảy vào hồ chứa Ajdabiya, một chiến thắng tiếp thêm năng lượng cho cả quốc gia.

Công trình vĩ đại này được bắt đầu xây dựng vào năm 1984 với chi phí dự kiến vào khoảng 5 tỷ USD. Tuy nhiên, khi dự án được triển khai, chi phí thực tế đã đội lên tới gấp hơn 5 lần - 27 tỷ USD.

Dự án sẽ được hoàn thành theo từng giai đoạn

Giai đoạn ban đầu gọi là giai đoạn 1 bao gồm đào 85 triệu m3 đất và lắp đặt đường ống lớn để vận chuyển nước từ vùng As-Safir và Tazerbo tới Ajdabiya, Benghazi, và Sirte. 

Giai đoạn 2, nước sẽ được bơm từ tầng ngậm nước phía Tây Nam (Fezzan) tới Tripoli và đồng bằng Jeffara.

Giai đoạn 3 của dự án nhằm mục đích cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng hiện có của giai đoạn 1. Sự mở rộng này sẽ giúp tăng nguồn cung cấp nước hàng ngày thêm 1,68 triệu m3, nâng tổng công suất hàng ngày lên 3,68 triệu m3.

Kế hoạch bao gồm xây dựng thêm 8 trạm bơm và lắp đặt 700km đường ống mới. Giai đoạn 3 cũng được thiết kế để cung cấp 138.000m3 nước mỗi ngày cho Tobruk và các khu vực ven biển.

Siêu dự án sông nhân tạo lớn nhất thế giới: Trải dài 2.820km, 'làm cho sa mạc nở hoa' và được ví là kỳ quan thứ 8 của nhân loại - ảnh 3

Việc xây dựng giai đoạn 1 bắt đầu năm 1984 với chi phí khoảng 5 tỷ USD, toàn bộ dự án có giá trị 27 tỷ USD. Ảnh: Internet

 

Khi dự án tiến triển, tác động của nó đến đời sống người dân Libya ngày càng rõ ràng. Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, các thành phố vốn đã phải vật lộn với tình trạng thiếu nước từ lâu đã chứng kiến những cải thiện rõ rệt. Dự án Great Man-Made River đã thực hiện đúng lời hứa, cung cấp nguồn nước cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của người dân trên toàn quốc.

Thách thức kỹ thuật và chính trị

Tuy nhiên, dự án này lại gặp nhiều thách thức. Ngay từ đầu, dự án đã phải đối mặt với những khó khăn về mặt kỹ thuật do quy mô khổng lồ của công trình. Việc cần phải khoan giếng sâu, xây dựng đường ống khổng lồ và bơm nước trên quãng đường dài trong môi trường sa mạc khắc nghiệt đã đặt ra nhiều khó khăn.

Sự cô lập về chính trị của Libya dưới thời Gaddafi cũng đóng một vai trò trong việc cản trở tiến độ của dự án. Các lệnh trừng phạt quốc tế hạn chế quyền tiếp cận chuyên môn và công nghệ nước ngoài vốn có thể đẩy nhanh quá trình phát triển dự án. Bất chấp những trở ngại này, Chính phủ Libya vẫn kiên trì thực hiện, coi dự án sông nhân tạo này là vấn đề cấp thiết của quốc gia.

Giai đoạn xung đột kéo dài này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dự án Great Man-Made River. Các kế hoạch bảo trì và mở rộng đã bị hoãn lại khi đất nước phải vật lộn với các chia rẽ chính trị và thách thức về an ninh.

Năm 2019, các báo cáo cho biết 101 trong 479 giếng ở đường ống phía Tây bị tháo dỡ. Năm 2020, tình hình trầm trọng hơn khi lực lượng vũ trang đoạt quyền kiểm soát một nhà máy cung cấp nước cho Tripoli.

Bất chấp những trở ngại này, siêu dự án này vẫn đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung cấp nước của Libya, cung cấp khoảng 70% nước ngọt cho cả nước.

Tương lai của siêu dự án

Nhìn về tương lai, số phận của dự án Great Man-Made River vẫn chưa chắc chắn. Do tình trạng bất ổn kéo dài, việc hoàn thành giai đoạn 3, nhằm mở rộng hệ thống hơn nữa và cung cấp nước cho Tobruk và các khu vực ven biển khác, đã bị đình trệ. Giai đoạn 4 theo đề xuất, vốn sẽ hiện thực hóa toàn bộ tầm nhìn ban đầu, vẫn chưa bắt đầu triển khai.

Hiện tại, dự án phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều năm bỏ bê đã dẫn đến việc cơ sở hạ tầng xuống cấp, đòi hỏi khoản đầu tư đáng kể để sửa chữa và bảo trì.

Các vấn đề an ninh tiếp tục cản trở những nỗ lực bảo trì và ngăn cản các công ty quốc tế cung cấp chuyên môn của họ cho dự án. Ngoài ra, có nhiều câu hỏi về tính bền vững trong dài hạn của việc bơm nước từ tầng ngậm nước không thể tái tạo.

Bất chấp những trở ngại này, dự án Great Man-Made River cho thấy tiềm năng của các dự án quản lý nước quy mô lớn trong việc cải tạo các khu vực khô cằn. Khi biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm các vấn đề khan hiếm nước trên toàn cầu, những bài học kinh nghiệm từ Libya có thể chứng minh giá trị đối với các quốc gia khác đang phải đối mặt với những thách thức tương tự.

Tương lai của dự án gắn liền với sự ổn định chính trị và phục hồi kinh tế của Libya. Để hoàn thành các giai đoạn dang dở và đảm bảo cơ sở hạ tầng tồn tại lâu dài, Chính phủ và người dân Libya sẽ phải thực hiện những khoản đầu tư rất lớn.

Theo Interesting Engineering