Siêu dự án sông nhân tạo lớn nhất thế giới: 3 kênh đào khổng lồ ‘hồi sinh’ 485.000ha sa mạc, được ví như kỳ quan thứ 8 của thế giới
(Thị trường tài chính) - Được mệnh danh là dự án lớn nhất từ trước đến nay của Ai Cập, siêu dự án sẽ có kinh phí ước tính lên tới 5,25 tỷ USD
Ai Cập đang đào xuyên qua sa mạc để tạo ra dòng sông nhân tạo dài nhất thế giới ở phía Tây đất nước, bên cạnh nhà máy điện hạt nhân Dabaa, như một phần của dự án New Delta. Siêu dự án này được hứa hẹn sẽ không khác gì “kỳ quan thứ 8 của thế giới”.
Được mệnh danh là dự án lớn nhất từ trước đến nay của Ai Cập, siêu dự án sẽ có kinh phí ước tính lên tới 5,25 tỷ USD, giúp đưa 485.000ha sa mạc ở phía Tây nước này trở thành đất nông nghiệp.
Giáo sư về tài nguyên nước và thủy lợi Abbas Sharaky cho biết: "Dự án sông nhân tạo là một trong những dự án thủy lợi quan trọng nhất trong những năm gần đây về mặt kỹ thuật xây dựng và lợi ích kinh tế.
“Đây là một công trình kỹ thuật khổng lồ bao gồm ba kênh đào được xây dựng trong điều kiện khác biệt so với các kênh tưới tiêu còn lại ở Ai Cập: nó sẽ vận chuyển nước đến các khu vực sa mạc cao hơn mực nước sông Nile hơn 100m".
Kênh đầu tiên dài 42km, bao gồm 26km đường ống và 16km kênh mở để vận chuyển khoảng 10 triệu m3 từ nhánh Rashid trong dự án Mostakbal Egypt.
Kênh thứ hai kéo dài khoảng 170km từ trạm Hammam để chuyển 7 triệu m3 nước mỗi ngày đến phía Nam Dabaa, để tưới tiêu khoảng 320.000ha đất, trong đó 22km là đường ống và 148km kênh mở với 13 trạm bơm nước.
Kênh thứ ba trong dự án gồm hai đường ống dài 12km, để tưới tiêu khoảng 25.000ha đất từ các nhà máy xử lý nước ở phía Nam và phía Tây tỉnh, đồng thời khử mặn nước ngầm thông qua 132 giếng ngầm và ba trạm bơm nước.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi tự hào tuyên bố siêu dự án đầy tham vọng này là nỗ lực lớn nhất trong lịch sử quốc gia.
Siêu dự án đang được các nhà thầu như Orascom Construction và Arab Contractors triển khai. Sáng kiến này được chính phủ Ai Cập xác định là ưu tiên an ninh quốc gia cấp độ cao và cũng có kế hoạch xây dựng các thành phố mới xung quanh kênh đào.
Nằm ở vị trí chiến lược gần các sân bay và bến cảng, siêu dự án mới cũng sẽ tạo ra cơ hội việc làm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và thay thế nhập khẩu.
Ai Cập, với tư cách là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu đảm bảo tương lai lương thực, thu hẹp khoảng cách cung cầu đối với lúa mì và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu tốn kém, từ đó thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững.
Hơn nữa, dự án này dự kiến tạo ra hơn 10.000 việc làm trực tiếp và hơn 360.000 cơ hội việc làm gián tiếp trong nền kinh tế địa phương. Ở một đất nước đang phải đối mặt với những thách thức về sa mạc hóa, khan hiếm nước và tăng trưởng dân số nhanh chóng, cam kết táo bạo của Ai Cập là một bước đi táo bạo hướng tới việc cung cấp cho người dân nguồn nước sạch dồi dào và an toàn.
Theo UNICEF, Ai Cập đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nước hàng năm khoảng 7 tỷ m3 và có khả năng cạn kiệt nguồn nước vào năm 2025.
Theo Egypt Independent