Phong tỏa khẩn cấp cả con đường do hơn 10.000m3 đất nứt vỡ tạo hố sụt sâu 20m: Yêu cầu người dân sơ tán khỏi khu vực, huy động công nghệ cao vào nghiên cứu
(Thị trường tài chính) - May mắn, mặc dù hố sụt có kích thước khổng lồ và xuất hiện đột ngột, không có ai bị thương trong vụ việc.
Hố sụt sâu 20m bất ngờ xuất hiện
Vào ngày 1/11/2010, một hố sụt khổng lồ đã bất ngờ xuất hiện tại thị trấn Schmalkalden thuộc bang Thuringia, miền Trung nước Đức. Sự việc ngay lập tức gây chấn động cộng đồng địa phương và thu hút sự quan tâm của truyền thông toàn cầu.
Hố sụt này hình thành ngay trên một con đường trong khu dân cư đông đúc và chỉ cách vài mét từ các ngôi nhà.
Được biết, hố sụt tại Schmalkalden xuất hiện vào sáng sớm, khoảng 3 giờ sáng, với tiếng ầm lớn như một vụ nổ. Nhiều người dân sống trong khu vực đã tỉnh giấc vì âm thanh này.
Hố sụt có đường kính lên đến 30m, sâu 20m và khoảng 10.000-12.000m3 đất bị sụt lún. Nó làm lộ ra toàn bộ lòng đất phía dưới, “nuốt chửng” một chiếc ô tô cùng một nhà để xe.
May mắn, mặc dù hố sụt có kích thước khổng lồ và xuất hiện đột ngột, không có ai bị thương trong vụ việc.
Tuy nhiên, 25 người dân sống tại khu vực xung quanh đã được sơ tán ngay lập tức để đảm bảo an toàn. Các nhà chức trách cũng đã nhanh chóng vào cuộc để điều tra nguyên nhân.
Nguyên nhân sự việc
Ban đầu, một số báo cáo cho rằng hố sụt có thể do một vụ nổ khí gas dưới lòng đất, làm suy yếu cấu trúc nền đất. Các đường ống dẫn khí cũ và đường cống ngầm cũng làm tăng nguy cơ sự cố.
Tuy nhiên sau đó, đội ngũ phụ trách xác nhận rằng hố sụt xuất hiện là vì subrosion - quá trình địa chất trong đó các loại đá dễ hòa tan, như đá vôi, muối hoặc thạch cao, bị nước ngầm rửa trôi dần dần.
Quá trình này tạo ra các khoảng trống hoặc hang động dưới lòng đất. Khi các khoảng trống này trở nên quá lớn và không còn khả năng chịu được trọng lượng của lớp đất hoặc đá bên trên, bề mặt đất có thể sụp đổ, dẫn đến hiện tượng hố sụt tử thần.
Để nghiên cứu cấu trúc dưới lòng đất tại Schmalkalden, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ địa chấn phản xạ sóng cắt (shear wave reflection seismic), một phương pháp đã được chứng minh là hiệu quả trong việc tạo hình ảnh phân giải cao của các lớp gần bề mặt.
Theo đó, thị trấn Schmalkalden nằm ở khu vực bị chi phối bởi đứt gãy kiến tạo, các khe nứt và mối nối trong lớp đá từ kỷ Phấn Trắng (Upper Cretaceous).
Những đặc điểm này làm tăng tính thấm của đá, cho phép nước ngầm thấm qua và rửa trôi các lớp muối Permian dưới lòng đất, tạo ra các hang động ngầm di chuyển lên phía trên. Khi lớp đất phía trên không còn khả năng chống đỡ, hố tử thần có thể hình thành do sự sụp đổ.
Khắc phục sự cố
Sau khi hố sụt xuất hiện, chính quyền địa phương đã huy động đội ngũ kỹ sư và công nhân để nhanh chóng tiến hành công tác khắc phục.
Khu vực bị ảnh hưởng đã được phong tỏa trong nhiều ngày để đảm bảo không có người dân nào tiếp cận gần, trong khi các chuyên gia tiến hành kiểm tra kết cấu và gia cố những khu vực xung quanh. Các ngôi nhà bị ảnh hưởng đã được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi người dân có thể quay trở lại sinh sống.