Nông dân Thái Lan biểu tình vì giá gạo lao dốc, lo bị Việt Nam soán ngôi thứ 2 thế giới

Đăng Đức

(Thị trường tài chính) - Nhóm nông dân đã tập trung tại Tòa nhà Chính phủ Thái Lan để kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp do giá gạo ở “xứ sở Chùa Vàng” không đủ bù đắp chi phí.

Nông dân nhiều tỉnh Thái Lan biểu tình đòi tăng giá gạo

Hôm thứ Tư (19/2), nhiều nông dân đã tập trung tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok, yêu cầu Chính phủ nâng giá gạo từ mức hiện tại là 6.000 baht (hơn 4,5 triệu đồng) lên 10.000 baht (gần 7,6 triệu đồng) mỗi tấn.

Tờ Bangkok Post cho hay, nông dân từ nhiều tỉnh, bao gồm Sukhothai, Phitsanulok và Suphan Buri hy vọng có thể gặp Thủ tướng Thái Lan Peatongtarn Shinawatra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Narumon Pinyosinwat hoặc Bộ trưởng Bộ Thương mại Pichai Naripthaphan để thảo luận các biện pháp đối phó với tình trạng giá gạo giảm. Thứ trưởng Bộ Thương mại, ông Suchart Chomklin, đã đến gặp họ ngay sau buổi trưa.

Nông dân Thái Lan biểu tình vì giá gạo lao dốc, lo bị Việt Nam soán ngôi thứ 2 thế giới - ảnh 1
Nông dân từ nhiều tỉnh của Thái Lan tập trung bên ngoài Tòa nhà Chính phủ ngày 19/2/2025 để biểu tình yêu cầu Chính phủ hỗ trợ giá gạo - Ảnh: Chanat Katanyu/Bangkok Post
 

Nông dân ở khu vực miền Trung Thái Lan đã bắt đầu thu hoạch vụ lúa trái mùa, nhưng giá gạo đã giảm xuống chỉ còn từ 6.000 - 7.000 baht (hơn 4,5 - 5,3 triệu đồng) mỗi tấn, so với mức 10.000 đến 11.000 baht (gần 7,6 triệu đồng - hơn 8,3 triệu đồng) vào năm ngoái, khiến họ chịu tổn thất đáng kể.

Gía gạo Thái Lan “tụt dốc” vì lẽ gì?

Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan cho biết trong tuần này rằng sự sụt giảm gần đây của giá gạo nước này chủ yếu do các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là việc Ấn Độ nối lại xuất khẩu và nhu cầu giảm từ Indonesia và Philippines.

Nông dân Thái Lan biểu tình vì giá gạo lao dốc, lo bị Việt Nam soán ngôi thứ 2 thế giới - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan muốn định vị nước này là “trung tâm dự trữ lương thực thế giới” để tăng cường sự ổn định lương thực cho các quốc gia đang phải đối mặt với thách thức về an ninh lương thực - Ảnh: Bộ Thương mại Thái Lan
 

Một nông dân từ Suphan Buri, người tham gia cuộc biểu tình hôm 19/2 cho biết ông đang chờ đợi hành động rõ ràng từ Chính phủ trước khi thu hoạch vụ mùa của mình.

Trước đó, đại diện nông dân các tỉnh miền Trung Thái Lan đã gửi đơn khiếu nại lên chính quyền thông qua Chủ tịch tỉnh.

Tuần trước, nông dân tỉnh Ayutthaya đã biểu tình bằng cách chặn đường, khiến Bộ Thương mại của “xứ sở Chùa Vàng” phải công bố các biện pháp khẩn cấp, bao gồm cả việc yêu cầu các văn phòng tỉnh thành lập các điểm mua gạo.

Một nông dân khác ở tỉnh Phichit cho biết chi phí sản xuất lúa của ông cho một tấn là 6.000 baht, nhưng ông phải bán với giá thấp hơn, chủ yếu là do vấn đề sâu bệnh.

Ở miền Trung Thái Lan, mỗi năm có hai vụ trồng lúa là vụ chính và vụ trái mùa. Lúa vụ trái mùa được gieo mạ vào tháng 12 và thu hoạch vào tháng 2 hoặc tháng 3.

Một tiểu ban quốc gia về chính sách và quản lý lúa gạo được cho là đang có kế hoạch họp vào thứ Năm (20/2) để giải quyết cuộc khủng hoảng giá gạo. Ủy ban Nông nghiệp của Hạ viện Thái Lan cũng đang có kế hoạch thảo luận về vấn đề này.

Ông Pramote Charoensilp, Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Thái Lan cho biết Hiệp hội này đã gửi thư cho Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Bộ trưởng Bộ Thương mại của “xứ sở Chùa Vàng” hôm 17/2.

Bức thư kêu gọi Chính phủ Thái Lan hỗ trợ nông dân quốc gia Đông Nam Á này thông qua các biện pháp như bồi thường 500 baht/rai cho những người tuân thủ lệnh cấm đốt rơm rạ và thêm 500 baht/rai để đối phó với giá gạo thấp (1 rai bằng 1.600m2).

Ông Pramote nhấn mạnh sự cần thiết của các khoản hỗ trợ trực tiếp cho nông dân nhằm tránh trung gian và giảm nguy cơ tham nhũng.

Người Thái lo mất vị thế nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới vào tay Việt Nam

Bộ Thương mại Thái Lan báo cáo ngày 28/1 rằng xuất khẩu gạo của quốc gia Đông Nam Á này dự kiến sẽ giảm khoảng 24%, xuống còn 7,5 triệu tấn trong năm nay.

Ông Arada Fuangtong, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương của Bộ này cho biết tại một cuộc họp báo rằng mức dự báo này thấp hơn là do hoạt động xuất khẩu từ Ấn Độ tiếp tục diễn ra và khối lượng xuất khẩu từ các nước sản xuất gạo khác được cải thiện.

Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan dự kiến lượng gạo xuất khẩu của nước này sẽ giảm xuống còn khoảng 7,5 triệu tấn vào năm 2025 do sự cạnh tranh gắt gao hơn đến từ Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu mặt hàng này lớn nhất thế giới và nhu cầu từ Indonesia - nền kinh tế số 1 Đông Nam Á sụt giảm.

Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 12/2024, Việt Nam ước xuất khẩu hơn 520 nghìn tấn gạo, thu về 390 triệu USD. Lũy kế cả năm, tổng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 9 triệu tấn và 5,7 tỷ USD; tăng 11% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với năm 2023.

Nếu tiếp tục duy trì phong độ cao này trong năm 2025, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua đối thủ trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan để trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Ấn Độ.

Theo Bangkok Post