'Người hùng' U70 thầm lặng biến một quốc gia châu Á trở thành điểm đến đầu tư hot nhất thế giới, cả Warren Buffett cũng phải tìm đến
Được mệnh danh là "nhà ngoại giao thị trường" hàng đầu của Nhật Bản, ông Hiromi Yamaji - chủ tịch JPX Group đang dẫn dắt cuộc cách mạng đưa thị trường chứng khoán Nhật Bản trở lại vị thế hàng đầu châu Á và toàn cầu.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản đang trải qua một giai đoạn phục hồi ấn tượng dưới sự lãnh đạo của Hiromi Yamaji, Chủ tịch Japan Exchange Group. Kể từ khi ông nhậm chức, giá trị thị trường của các công ty niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) đã tăng khoảng 270 nghìn tỷ yên (1,73 nghìn tỷ USD).
Dưới sự lãnh đạo của Yamaji, Tokyo đã trở thành một trong những thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả nhất thế giới. Vị chủ tịch 69 tuổi của JPX Group đã thực hiện những cải cách phi truyền thống và tiến hành các chiến dịch quảng bá toàn cầu, góp phần tạo nên đợt tăng giá trị thị trường lên tới gần 2 nghìn tỷ USD.
"Những kỷ lục này xảy ra thường xuyên ở những nơi khác như thị trường chứng khoán Hoa Kỳ," Yamaji chia sẻ. "Tôi muốn biến điều đó thành hiện thực để thị trường không còn là điều bất thường khi đạt mức cao kỷ lục mới."
Bên cạnh đó, ông Yamaji cũng nhắm đến việc thu hút thêm công ty niêm yết từ châu Á, biến Nhật Bản thành trung tâm tài chính khu vực khi các nhà đầu tư đang giảm sự quan tâm đối với Trung Quốc.
Sau 15 tháng tại vị, Yamaji vẫn không ngừng thúc đẩy cải cách. Ông nhấn mạnh về nhu cầu cải thiện quản trị doanh nghiệp tại hơn 3.900 công ty niêm yết của Nhật Bản và duy trì đà tăng vốn chủ sở hữu.
Năm 2024, chỉ số Topix đã tăng 20%, tiếp nối đà tăng ấn tượng 25% của năm 2023 - mức cao nhất thế giới. Chỉ số này gần đây đã chạm mức cao kỷ lục mới, phản ánh sự lạc quan ngày càng tăng của nhà đầu tư.
Dòng vốn ngoại đóng vai trò quan trọng trong đà tăng này. Trong 18 tháng tính đến tháng 6/2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ 7,4 nghìn tỷ yên (48,5 tỷ USD) vào thị trường Nhật Bản. Năm 2023 ghi nhận mức dòng vốn ngoại cao nhất trong một thập kỷ. Một loạt nhà đầu tư và các quỹ nổi tiếng như Warren Buffett, Citadel, Blackstone, KKR... đều hào hức tới đây tìm kiếm những cơ hội mới.
Nhiều yếu tố góp phần vào sự quan tâm mới này, bao gồm đồng yên yếu (giảm khoảng 10% so với đồng USD trong năm nay), các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản mạnh hơn, lạm phát quay trở lại và xu hướng rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc đang suy thoái.
CJ Morrell, chuyên gia với gần ba thập kỷ kinh nghiệm trong lĩnh vực cổ phiếu Nhật Bản, nhận định: "Tôi chưa bao giờ thấy một kế hoạch toàn diện như TSE mà Yamaji và nhóm của ông đã đưa ra".
Vực dậy thị trường Nhật Bản
Hiromi Yamaji, Chủ tịch Japan Exchange Group (JPX), đã trở thành "gương mặt vàng" trong việc quảng bá thị trường chứng khoán Nhật Bản ra thế giới. Với vai trò thường thấy ở các nhà ngoại giao hay chính trị gia, ông đã thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư quốc tế quay trở lại "đất nước mặt trời mọc", góp phần tạo nên làn sóng đổi mới cho nền kinh tế Nhật Bản.
Lịch trình công tác "không ngơi nghỉ" của Yamaji bao gồm các chuyến thăm văn phòng các nhà quản lý quỹ lớn, diễn thuyết tại các hội nghị quốc tế và giao lưu với giới đầu tư. Chỉ tính riêng năm nay, ông đã "đặt chân" đến Malaysia, Singapore, London và sắp tới là New York.
Alicia Ogawa, chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp cho các quỹ đầu tư tập trung vào Nhật Bản, nhận xét: "Ông ấy là 'cầu nối' xuất sắc nhất của Nhật Bản với thế giới. Khó có ai có thể làm tốt hơn ông ấy".
Sinh ra tại Hiroshima, từng là một cao thủ của môn võ aikido, ông Yamaji tốt nghiệp MBA tại Trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania đầy danh vọng. Dù đã "rửa tay gác kiếm" với nghiệp thể thao, ông vẫn duy trì lối sống năng động với golf, chạy bộ cuối tuần và thói quen leo 10 tầng cầu thang lên văn phòng mỗi ngày. Ngoài giờ làm, ông thích thưởng thức opera, "nhâm nhi" rượu vang Pháp và không quên cổ vũ đội bóng chày quê nhà Hiroshima Toyo Carp.
Với "bề dày" kinh nghiệm điều hành các văn phòng ngân hàng đầu tư tại London, New York và Tokyo, Yamaji thể hiện sự tự tin và cởi mở hiếm có. Ông khiêm tốn trước những thành công đã đạt được và sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ nhân viên trẻ, điều không phổ biến trong môi trường doanh nghiệp "kỳ cựu" của Nhật Bản.
Nhiều người từng gặp ông ấn tượng với việc ông sẵn sàng "chịu khó" ở lại các hội nghị để giao lưu và trả lời email cá nhân từ các nhà đầu tư, góp phần xây dựng hình ảnh một thị trường Nhật Bản cởi mở và có trách nhiệm hơn.
Tatsuo Tanaka, Chủ tịch Apollo Global Management Inc. tại Nhật Bản, nhận định: "Ông ấy là một trong số ít lãnh đạo doanh nghiệp có thể 'cất lời' thay mặt cho Nhật Bản. Ông ấy đến với vị trí CEO của JPX vào đúng thời điểm 'vàng'".
Thách thức còn chờ đợi phía trước
Dù đã gặt hái nhiều thành công, con đường phía trước của ông Yamaji vẫn còn nhiều "chông gai". Sau khi đạt được các mục tiêu dễ đo lường như tỷ lệ giá trên sổ sách, thách thức tiếp theo là thúc đẩy những thay đổi sâu rộng hơn. Đó là nâng cao hiệu quả thảo luận của hội đồng quản trị và triển khai chiến lược tăng trưởng bền vững.
Nhìn từ góc độ vĩ mô, Nhật Bản vẫn đang "chạy đua" với các cường quốc kinh tế như Hoa Kỳ về nhiều chỉ số quan trọng. Cụ thể, các công ty Mỹ đang có hiệu quả gấp đôi so với doanh nghiệp Nhật về chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE).
Tham vọng lớn của Yamaji là đưa Nhật Bản trở thành "thủ phủ" tài chính hàng đầu châu Á, sánh ngang Singapore hay Hồng Kông (Trung Quốc). Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ và thuế suất cao vẫn là những "nút thắt" cần tháo gỡ để thu hút đầu tư và hoạt động tài chính từ nước ngoài.
Bản thân JPX cũng đối mặt với thách thức về quản trị doanh nghiệp. Ngày nay tập đoàn chỉ có 3/15 giám đốc là nữ giới, trong khi xu hướng đa dạng hóa đang ngày càng phổ biến tại Nhật Bản. Oki Matsumoto, cựu giám đốc TSE, cũng chỉ ra vấn đề thiếu vắng đại diện nhà đầu tư trong hội đồng quản trị.
Dù vậy, "ông trùm" tài chính này vẫn tỏ ra hào hứng trước những thử thách. Với sự mẫn cán tuyệt vời khi chỉ nghỉ ốm một ngày trong suốt 26 năm qua, chủ tịch Yamaji dường như không biết mệt mỏi. "Tôi làm việc gần như 'không nghỉ'. Ngay cả những người xung quanh cũng phải thốt lên rằng công việc của tôi quá bận rộn!" - Yamaji tâm sự.
Chủ tịch Yamaji vẫn còn nhiều công việc phải xử lý phía trước, với kết quả ban đầu tại JPX còn khiêm tốn khi sàn giao dịch mới chỉ thu hút được 5 đợt niêm yết công khai xuyên biên giới từ năm 2022, còn xa mục tiêu 20 đợt vào tháng 3/2025. Tuy nhiên, JPX cho biết đang có khoảng 20 đợt niêm yết nước ngoài đang "thai nghén" và vừa khởi động sáng kiến hỗ trợ các công ty châu Á niêm yết tại Nhật Bản.
Ông Yamaji chia sẻ: "Chúng tôi đang nỗ lực hết sức, đồng thời cần sự chung sức phát triển của chính phủ và các cơ quan quản lý thị trường".