HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Một chỉ báo quan trọng nhấp nháy ‘tín hiệu đỏ’ từ châu Á, kinh tế toàn cầu chuẩn bị có biến động lớn?

Nhã San

(Thị trường tài chính) - Một chỉ báo ít được chú ý nhưng từng được xem là thước đo quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện đang chỉ ra dấu hiệu chững lại, theo báo cáo từ BCA Research.

Các nhà phân tích của BCA Research cho biết xuất khẩu từ các nước Đông Á đang giảm tốc trên diện rộng.

Cụ thể, xuất khẩu trong nước của Singapore (không bao gồm dầu mỏ) trong tháng 10 không đạt kỳ vọng, giảm 7,4% so với tháng trước và giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, xuất khẩu từ Singapore sang Trung Quốc giảm mạnh 22,3% so với cùng kỳ, cho thấy các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc không thúc đẩy được nhu cầu như các quan chức ở Bắc Kinh kỳ vọng.

Một chỉ báo quan trọng nhấp nháy ‘tín hiệu đỏ’ từ châu Á, kinh tế toàn cầu chuẩn bị có biến động lớn? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trong khi đó, xuất khẩu hàng điện tử của Singapore có tăng trưởng nhưng tốc độ đã chậm lại, chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 4,0% của tháng 9. Tại Nhật Bản, đơn đặt hàng máy móc cốt lõi trong tháng 9 cũng không đạt kỳ vọng, giảm 0,7% so với tháng trước và 4,8% so với năm ngoái.

Mặc dù những số liệu này dường như mang tính đặc thù riêng lẻ của từng nền kinh tế, khi tổng hợp lại, chúng cho thấy triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang suy yếu, theo BCA Research.

"Xuất khẩu từ Đông Á là một thước đo quan trọng cho kinh tế toàn cầu, và những con số này củng cố thêm các tín hiệu tiêu cực từ các chỉ báo hàng đầu về thương mại quốc tế”, các nhà phân tích viết trong một ghi chú hôm 18/11.

Những dữ liệu này có khả năng tiếp tục xấu đi trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, các nhà phân tích cảnh báo. Chiến thắng bầu cử của ông Donald Trump đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại, khi ông đưa ra các đề xuất áp thuế toàn diện từ 10%-20% đối với tất cả các quốc gia, và mức thuế cao hơn tới 60% đối với Trung Quốc.

Nếu được thực hiện, điều này có thể gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các nhà kinh tế cảnh báo.

Dù các kế hoạch này chưa được hoàn thiện, các nhà phân tích của BCA cho biết chúng đã bắt đầu gây áp lực lên đầu tư bên ngoài nước Mỹ. Chứng khoán châu Âu lẫn các thị trường mới nổi đã sụt giảm ngay sau chiến thắng của ông Trump và tiếp tục giao dịch dưới mức trước bầu cử.

Những diễn biến này, cùng với việc định giá cổ phiếu đang ở mức cao, tạo ra nguy cơ gia tăng biến động trong những tháng tới. Do đó, các nhà đầu tư nên chuyển sang các vị thế phòng thủ, các nhà phân tích khuyến nghị.

"Gia tăng căng thẳng thương mại trong một nền kinh tế toàn cầu đang chững lại với định giá cổ phiếu cao là một môi trường đầy thách thức. Những tháng tới sẽ còn nhiều biến động, nhà đầu tư nên chuẩn bị điều chỉnh danh mục sang hướng phòng thủ hơn vào năm 2025", các nhà phân tích kết luận.

Theo Market Insider