Meta siết chặt kiểm soát, ‘chặn đứng’ truyền thông Nga
(Thị trường tài chính) - Quyết định này được đưa ra sau khi phát hiện các hoạt động thao túng thông tin và gây ảnh hưởng ngầm trên mạng của các tổ chức này.
Ngày 16/9, Meta đã quyết định chặn hoàn toàn các kênh truyền thông Nga như RT và Rossiya Segodnya trên tất cả các nền tảng của mình. Lệnh cấm này đánh dấu một bước leo thang đáng kể trong cuộc chiến chống lại hoạt động can thiệp thông tin của Nga trên mạng xã hội toàn cầu, sau nhiều năm thực hiện các biện pháp hạn chế như chặn các tài khoản này chạy quảng cáo và giảm tầm ảnh hưởng của các bài đăng.
“Sau khi xem xét cẩn thận, chúng tôi đã mở rộng các biện pháp thực thi đối với truyền thông Nga. Rossiya Segodnya, RT và các tổ chức liên quan hiện đã bị cấm trên các ứng dụng của chúng tôi trên toàn cầu do hoạt động can thiệp nước ngoài”, Meta tuyên bố trong một thông báo bằng văn bản.
Việc thực thi lệnh cấm này sẽ được triển khai trong vài ngày tới, Meta cho biết. Ngoài Facebook, các ứng dụng của Meta còn bao gồm Instagram, WhatsApp và Threads.
Đại sứ quán Nga chưa có phản hồi ngay lập tức trước yêu cầu bình luận của Reuters. Nhà Trắng cũng từ chối bình luận.
Vào năm 2022, Moscow đã coi Meta là một "tổ chức cực đoan" và nhanh chóng cấm Instagram và Facebook, phản đối quyết định của Meta cho phép người dùng thể hiện sự phẫn nộ trước việc Nga đưa quân đến Ukraine. Quyết định này của Nga là phản ứng trước các nỗ lực của Meta nhằm hạn chế tầm với của truyền thông Nga và các khoản phạt mà công ty này phải đối mặt vì không gỡ bỏ nội dung mà Nga cho là bất hợp pháp.
Mặc dù các lệnh cấm hiện tại đối với Instagram và Facebook có thể hạn chế khả năng phản ứng của Nga trước các biện pháp trừng phạt của Meta, WhatsApp - một ứng dụng chưa bị cấm do tầm quan trọng của nó trong việc truyền tải thông tin - vẫn được hàng triệu người Nga sử dụng.
Ứng dụng Telegram, do người sáng lập người Nga Pavel Durov phát triển, đang ngày càng trở thành một nền tảng truyền thông đa năng tại Nga. Song song đó, VK Video, sản phẩm của công ty công nghệ VK, đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của YouTube.
Quyết định của Meta được đưa ra sau khi Mỹ vào đầu tháng này đã cáo buộc hai nhân viên của RT rửa tiền để thuê một công ty Mỹ sản xuất nội dung trực tuyến nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2024.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, các quốc gia nên đối xử với các hoạt động của đài truyền hình Nga RT giống như các hoạt động tình báo ngầm.
RT bác bỏ cáo buộc của Mỹ, cho rằng đây là nỗ lực nhằm bịt miệng báo chí.
Theo Reuters