Loại tài sản ‘đắt xắt ra miếng’ vẫn hút dòng tiền, các NHTW đua nhau ‘gom hàng’
(Thị trường tài chính) - Những đe dọa về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến vàng thỏi đạt mức cao kỷ lục.
Vàng đã nổi lên như một khoản đầu tư hiệu quả nhất trong "thời đại Trump", với mức tăng trưởng vượt trội so với các tài sản lớn khác kể từ khi Tổng thống Mỹ nhậm chức.
Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi những lo ngại về chiến tranh thương mại và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến nhu cầu về kim loại quý này tăng cao như một kênh trú ẩn an toàn.

Kể từ đầu năm, khi ông Trump bắt đầu áp đặt các biện pháp thuế quan, giá vàng đã liên tục tăng mỗi tuần và đạt mức kỷ lục 2.942,70 USD/ounce.
Tính từ ngày nhậm chức 20/1, vàng đã tăng gần 7%, mặc dù có điều chỉnh nhẹ vào cuối tuần. Ngược lại, chỉ số S&P 500 chỉ tăng chưa đến 2%, trong khi các khoản đầu tư thường được ưa chuộng trong thời kỳ Trump như đồng USD, trái phiếu kho bạc và bitcoin đều ghi nhận kết quả kém khả quan.
“Khi thương mại bị thu hẹp, vàng sẽ bứt phá”, James Steel, chuyên gia phân tích kim loại quý tại HSBC, nhận định. Ông chỉ ra rằng điều này đã từng xảy ra trong đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây.
Theo ông, mức độ gián đoạn thương mại thế giới tỷ lệ thuận với lợi ích mà vàng nhận được từ các biện pháp thuế quan.
Dự trữ vàng tại Mỹ tăng vọt
Đà tăng của vàng còn được củng cố bởi sự gia tăng đột biến trong dự trữ tại New York, với mức tăng 116% kể từ cuộc bầu cử. Các ngân hàng và nhà giao dịch đã chuyển một lượng lớn vàng từ London, trung tâm giao dịch vàng lớn nhất thế giới, sang Mỹ, tạo nên cảnh xếp hàng dài tại các kho của Ngân hàng Trung ương Anh.
Căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế "có đi có lại" đối với cả đồng minh và đối thủ, bao gồm mức thuế 10% mới đối với hàng hóa Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng một cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy lạm phát, những yếu tố có lợi cho giá vàng.
“Vàng là một kênh đầu tư hưởng lợi từ chính sách thuế quan của Trump”, Nicky Shiels, nhà phân tích tại MKS Pamp, một công ty tinh chế vàng, nhận xét. “Có mối tương quan trực tiếp giữa các tin tức về thuế quan và việc giá vàng tăng cao”, bà nói thêm.
Trong khi vàng thăng hoa, các khoản đầu tư khác gắn liền với “thời kỳ Trump” lại gặp khó khăn.
Đồng USD giảm 2,4% trong năm nay so với rổ tiền tệ và suy yếu đáng kể kể từ khi ông nhậm chức. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm từ mức trên 4,8% xuống 4,48%.
Theo các nhà giao dịch, việc Trump áp thuế ít quyết liệt hơn dự kiến đã giúp đồng tiền của các khu vực xuất khẩu lớn tăng giá, trong khi lo ngại về tăng trưởng kinh tế khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang trái phiếu chính phủ.
“Vàng có thể đóng vai trò như một hàng rào phòng vệ trước rủi ro địa chính trị, lạm phát và sự suy yếu của đồng USD”, Trevor Greetham, Giám đốc chiến lược đa tài sản tại Royal London Asset Management, nhận xét.
“Hai yếu tố đầu tiên đã khiến vàng trở thành một khoản đầu tư vững chắc trong năm qua, với sự mua vào mạnh mẽ từ ngân hàng trung ương và nhà đầu tư cá nhân đẩy giá lên cao”, ông nói.
Sự suy yếu của đồng USD càng thúc đẩy giá vàng tăng cao, do vàng được định giá bằng USD, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn với người mua sử dụng các đồng tiền khác.
Trước đà tăng mạnh của vàng, một số ngân hàng đã phải điều chỉnh dự báo giá. Tuần trước, cả UBS và Citigroup đều nâng mục tiêu giá vàng lên 3.000 USD/ounce.
Năm nay, việc các ngân hàng trung ương mua vàng mạnh mẽ để giảm phụ thuộc vào đồng USD được dự báo sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương đã mua hơn 1.000 tấn vàng trong năm ngoái – đánh dấu năm thứ ba liên tiếp vượt ngưỡng này.
Mark Bristow, CEO của Barrick Gold, kết luận rằng tình trạng "hỗn loạn toàn cầu" đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến vàng như một phương tiện bảo vệ tài sản
“Rõ ràng thị trường đang gửi một thông điệp: chỉ có một loại tiền tệ dự trữ duy nhất trên thế giới mà các chính trị gia không thể gia tăng nguồn cung tùy ý – và đó chính là vàng”, ông nhấn mạnh.
Theo FT