Liên Hợp Quốc cảnh báo nhiệt độ Trái đất tăng 3°C, vượt xa ngưỡng dự báo
(Thị trường tài chính) - Trái Đất đang nóng lên với tốc độ khủng khiếp kéo theo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, LHQ kêu gọi các quốc gia cắt giảm 42% lượng khí thải vào năm 2030.
Theo báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), thế giới đang đối mặt với nguy cơ nhiệt độ tăng "thảm khốc" hơn 3,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, gấp đôi mục tiêu Thỏa thuận Paris. Báo cáo chỉ ra rằng mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5°C "sẽ không thể đạt được trong vài năm tới" nếu không có hành động khẩn cấp. Hiện nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP nhấn mạnh: "Thời điểm khủng hoảng khí hậu đã đến. Chúng ta cần hành động toàn cầu ở quy mô và tốc độ chưa từng có - ngay lập tức, trước khi có vòng cam kết khí hậu tiếp theo. Nếu không, mục tiêu 1,5°C sẽ sớm bị phá sản và mục tiêu dưới 2°C sẽ được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt". Tổng thư ký LHQ António Guterres cũng cảnh báo thế giới đang "đứng trên sợi dây căng của hành tinh" và "không còn thời gian để chần chừ".
Theo UNEP, lượng khí thải nhà kính đã đạt mức kỷ lục 57,1 tỷ tấn CO2 trong năm 2023, bất chấp các cam kết cắt giảm toàn cầu. Để duy trì mục tiêu 1,5°C, các quốc gia cần cùng nhau cắt giảm 42% lượng khí thải vào năm 2030 và 57% vào năm 2035 so với mức năm 2019.
Các nhà khoa học cảnh báo nếu nhiệt độ tăng lên 2°C, tác động tàn phá sẽ xảy ra đối với các quốc gia và đa dạng sinh học, bao gồm năng suất cây trồng giảm, trong khi hơn 1/3 dân số thế giới sẽ phải gánh chịu nhiệt độ khắc nghiệt và hậu quả của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Nhiệt độ trái đất nóng lên khiến các cơn bão nhiệt đới trở nên mạnh hơn và nguy hiểm hơn do các đại dương ấm hơn cung cấp nhiều năng lượng cho bão. Hiện tượng này đồng thời dẫn đến sức gió lớn hơn, mưa nhiều hơn và tăng nguy cơ lũ lụt, lở đất nghiêm trọng.
Số lượng các cơn bão nhiệt đới có sức tàn phá khủng khiếp cũng gia tăng đáng kể trong năm qua, cùng với hiện tượng nước biển dâng cao, gây ngập lụt ven biển nghiêm trọng và khiến đường đi của bão biến động, gây khó khăn cho công tác dự báo.
UNEP đề xuất các giải pháp then chốt bao gồm đẩy mạnh triển khai năng lượng mặt trời và gió - có thể giảm 27% lượng khí thải vào năm 2030 và 38% vào năm 2035, cải thiện hiệu quả năng lượng, tăng cường điện khí hóa trong giao thông và công nghiệp.
Cơ quan này ước tính cần 900 tỷ đến 2,1 nghìn tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2021-2050 để chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, khoản đầu tư này sẽ được bù đắp bởi chi phí tiết kiệm từ việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, thiệt hại về thiên nhiên và sức khỏe con người.
Bà Andersen nhấn mạnh thế giới không được từ bỏ mục tiêu phát thải ròng bằng 0, ngay cả khi mục tiêu 1,5°C ngày càng khó đạt được. "Mỗi phần nhỏ của một độ tránh được đều có giá trị về mặt cứu sống, bảo vệ nền kinh tế, tránh thiệt hại, bảo tồn đa dạng sinh học và khả năng nhanh chóng hạ nhiệt độ xuống mức vượt ngưỡng", bà nói.
Báo cáo được công bố trước thềm hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP29 tại Baku, nơi gần 200 quốc gia sẽ tham dự. Các nước có thời hạn đến tháng 2/2025 để nộp kế hoạch khí hậu quốc gia cập nhật. UNEP cũng lưu ý rằng mỗi năm các quốc gia không cắt giảm được lượng khí thải thì cần phải có những biện pháp cắt giảm mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Theo Financial Times