Láng giềng Việt Nam vận hành tuabin khí hydro 30MW đầu tiên trên thế giới: Đốt cháy 443 tấn hydro/giờ, cung cấp 500 triệu kWh điện/năm, chìa khóa cho tương lai không carbon
(Thị trường tài chính) - Một tua bin khí hydro nguyên chất công suất 30MW có thể giải quyết hiệu quả vấn đề mất điện trong các dự án năng lượng gió và mặt trời.
Một công ty có trụ sở tại Trung Quốc đã đạt được một thành tựu đột phá khi đốt cháy thành công tua-bin khí hydro nguyên chất công suất 30MW đầu tiên trên thế giới, mang tên Jupiter I.
Dự án này là thành quả hợp tác giữa Tập đoàn Mingyang cùng nhiều công ty và nhóm nghiên cứu khoa học khác.
Tuabin này cung cấp một giải pháp quan trọng cho việc lưu trữ năng lượng tái tạo, chuyển đổi hydro từ các bình chứa trở lại thành điện trong các giờ cao điểm, nhằm giải quyết thách thức về lãng phí điện trong giờ thấp điểm.
Theo Wang Yongzhi, Giám đốc điều hành của Công nghệ Tuabin Khí Hydro Mingyang, thiết bị này tạo ra một quy trình không phát thải carbon, được gọi là "power-to-hydrogen-back-to-power" - chuyển đổi điện dư thừa thành hydro để lưu trữ, sau đó chuyển đổi lại thành điện trong giờ cao điểm.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng sự chuyển đổi chậm và kém hiệu quả trong các thời điểm nhu cầu cao có thể dẫn đến việc sử dụng không tối đa, từ đó nhấn mạnh nhu cầu sử dụng các tuabin khí công suất cao.
Khó khăn kỹ thuật
Nhóm phát triển đã đạt được bước tiến quan trọng khi vượt qua 3 thử thách kỹ thuật chính trong việc đốt cháy hydro: nguy cơ phát lửa ngược, hiện tượng dao động mạnh và lượng khí thải cao.
Những vấn đề này đã được giải quyết thông qua việc tối ưu hóa thiết kế khí động học và nhiệt học, kết hợp với cấu trúc buồng đốt vi trộn sáng tạo.
Tuabin khí hydro nguyên chất Jupiter I, với công suất 30MW, được đánh giá có khả năng giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí điện trong các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Theo ông Wang, thiết bị này có thể xử lý hơn 30.000 mét khối hydro/giờ, tương đương với khả năng sản xuất 500 triệu kWh điện được lưu trữ dưới dạng hydro hàng năm.
Đặc biệt, công nghệ này có thể khắc phục các hạn chế trong việc lưu trữ và vận chuyển hydro cho các dự án năng lượng gió và mặt trời có công suất lắp đặt lên tới 1 triệu kilowatt.
Quy mô hoạt động của Jupiter I thực sự ấn tượng với mức tiêu thụ nhiên liệu 443,45 tấn/ giờ thông qua 10 buồng đốt. So sánh để dễ hình dung, lượng hydro này đủ để lấp đầy khí cầu Hindenburg, vốn chứa khoảng 18 tấn hydro, tới 25 lần trong một giờ.
Dự án thử nghiệm này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đa dạng hóa và chuyển đổi sạch trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc. Đặc biệt, nó có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề điện bị lãng phí từ các dự án năng lượng sạch ở các khu vực sa mạc, Gobi và vùng đất hoang ở phía Tây Trung Quốc.
“Phát minh mới này có thể đóng vai trò quan trọng trong hệ thống điện tái tạo của Trung Quốc và có triển vọng thị trường rộng lớn trên toàn cầu, đặc biệt là ở những khu vực giàu tài nguyên năng lượng sạch,” Wang nói thêm.
Theo IE