Hàng loạt quốc gia đưa ra ‘sách lược’ ứng phó trước lễ nhậm chức của ông Trump
(Thị trường tài chính) - Nếu ông Donald Trump tiến hành tăng thuế lên 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 20% với phần còn lại của thế giới, cấu trúc dòng chảy thương mại toàn cầu sẽ thay đổi mạnh mẽ.
Việc ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ được cho là có khả năng mở ra một kỷ nguyên biến động trong thương mại toàn cầu. Điều này buộc các Chính phủ trên thế giới phải chạy đua để đối phó với làn sóng thuế quan ngay cả khi ông chưa chính thức trở lại Nhà Trắng.
“Mối đe dọa” đối với Trung Quốc không phải là điều mới mẻ, nghĩa là các nhà lãnh đạo nước này đã có đủ thời gian để chuẩn bị các biện pháp phòng vệ và chiến lược đối phó.
Tuy nhiên, lần này, Tổng thống đắc cử Mỹ và nhóm cố vấn thương mại của ông đã mở rộng phạm vi, làm dấy lên nguy cơ về một cuộc chiến thương mại kéo dài và khó lường hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên.
Mexico và Canada là hai nước chịu nhiều áp lực nhất từ các mối đe dọa thương mại của ông Trump kể từ ngày bầu cử, khiến lãnh đạo hai nước công khai cảnh báo sẽ “đáp trả”.
Trong khi đó, nhiều nước khác đã âm thầm chuẩn bị. Liên minh Châu Âu (EU) được cho là đang tăng cường năng lực đối phó thuế quan, còn Ấn Độ tìm cách đàm phán để vượt qua cơn bão sắp tới.
“Chính sách thương mại Trump 2.0 dường như triệt để hơn nhiều so với 1.0”, Yeo Han-koo, chuyên gia cao cấp tại Viện Peterson và cựu Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc nhận định.
Nếu ông Trump tiến hành tăng thuế lên 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 20% với phần còn lại của thế giới, cấu trúc dòng chảy thương mại toàn cầu sẽ thay đổi mạnh mẽ. Theo đó, các biện pháp đáp trả sẽ càng khiến tình hình thêm trầm trọng.
Các nước sẽ ứng phó ra sao?
Tại Mexico, Tổng thống Claudia Sheinbaum cảnh báo việc ông Trump áp thuế 25% sẽ tác động đến tình hình lạm phát ở Mỹ. Chính phủ Mexico cũng đã âm thầm triển khai chiến lược giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, bao gồm làm việc với các nhà sản xuất ô tô lớn để tìm nguồn linh kiện từ nơi khác.
Ngoài ra, Mexico cũng đã áp thuế 19% đối với hàng hóa nhập khẩu qua các công ty chuyển phát nhanh, nhắm mục tiêu vào các nhà bán lẻ lớn như Temu và Shein.
Ở Canada, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Justin Trudeau cũng đã gặp ông Trump ngay sau khi ông đưa ra lời đe dọa thuế quan 25%. Các quan chức nước này đang xem xét áp thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng quan trọng để gây sức ép lên giá cả ở Mỹ.
Ở châu Á, Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch tăng nhập khẩu năng lượng từ Mỹ nhằm giảm nguy cơ bị trừng phạt.
Một cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, cho rằng Nhật Bản cũng cần chuẩn bị cho khả năng Mỹ thực hiện các mối đe dọa về thuế quan.
Những hệ quả dây chuyền
Nếu thuế quan của ông Trump buộc Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu sang các nước châu Á khác, sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, đặc biệt với các nền kinh tế như Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan….Các nhà kinh tế tại Morgan Stanley cảnh báo, những quốc gia này dễ bị tổn thương vì mức độ phụ thuộc cao vào thương mại quốc tế.
Hàn Quốc đã phải điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế, một phần do căng thẳng địa chính trị leo thang, làm suy giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang lo ngại về nguy cơ cạnh tranh không công bằng từ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, đặc biệt là xe điện và khả năng bị Mỹ áp thuế mới.
Tại Ấn Độ, các quan chức tỏ ra lạc quan hơn, hy vọng mối quan hệ tốt giữa Thủ tướng Narendra Modi và ông Trump sẽ giúp nước này tránh được những hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, Ấn Độ sẵn sàng giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ như một phần của các cuộc đàm phán sắp tới.
Các quan chức Brazil thì không mấy lo ngại về bất kỳ mức thuế nào từ phía Mỹ. Nước này tin rằng họ có thể mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác, bao gồm các quốc gia châu Á, nếu trở thành mục tiêu.
Có thể nói, các nền kinh tế trên toàn cầu đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải cân bằng giữa yêu cầu của Mỹ và sự phụ thuộc vào Trung Quốc. “Việc xoa dịu ông Trump mà vẫn duy trì hợp tác kinh tế với Trung Quốc là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn”, Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế tại HSBC nhận định.