HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Láng giềng Việt Nam tiếp nhận lò phản ứng hạt nhân từ Trung Quốc, khẳng định vị trí tiên phong ở Đông Nam Á

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Viện nghiên cứu của một trường Đại học Thái Lan đón nhận Lò phản ứng nguồn neutron thu nhỏ (MNSR) từ Trung Quốc, đánh dấu bước tiến mới trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hạt nhân.

Cuối tháng 11/2024, Trung Quốc đã chuyển giao hệ thống và thiết bị Lò phản ứng nguồn neutron thu nhỏ (MNSR) cho Đại học Công nghệ Suranaree, Thái Lan.

Buổi lễ đánh dấu sự kiện diễn ra vào ngày 12/11 tại Viện Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc (CNNC), với sự tham dự của các quan chức cấp cao từ cả hai quốc gia. Đại diện Văn phòng Sử dụng Năng lượng Nguyên tử vì mục đích Hòa bình của Thái Lan và lãnh đạo Đại học Công nghệ Suranaree đều khẳng định ý nghĩa quan trọng của dự án.

Láng giềng Việt Nam tiếp nhận lò phản ứng hạt nhân từ Trung Quốc, khẳng định vị trí tiên phong ở Đông Nam Á - ảnh 1
Ban lãnh đạo Đại học Công nghệ Suranaree trong buổi tiếp nhận Lò phản ứng hạt nhân vi mô từ Trung Quốc

 

Lò phản ứng có công suất khiêm tốn 30kW, được CNNC thiết kế với những ưu điểm nổi bật về an toàn và chi phí vận hành thấp. Theo các chuyên gia, thiết bị này phù hợp với môi trường đại học, bệnh viện và các trung tâm nghiên cứu.

Mục tiêu chính của dự án là phục vụ nghiên cứu khoa học, trong đó có liệu pháp bắt neutron - một kỹ thuật triển vọng trong điều trị ung thư. Đây được xem là bước đi chiến lược của Thái Lan trong việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hạt nhân.

Láng giềng Việt Nam tiếp nhận lò phản ứng hạt nhân từ Trung Quốc, khẳng định vị trí tiên phong ở Đông Nam Á - ảnh 2
Nguyên mẫu Lò phản ứng nguồn neutron thu nhỏ  (MNSR)

Đáng chú ý, đây là lò phản ứng vi mô thứ sáu mà Viện Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc xuất khẩu. Dự án được khởi động từ năm 2015, thể hiện mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa Trung Quốc và Thái Lan trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ cao.

Các chuyên gia đánh giá việc chuyển giao công nghệ này là bước đi quan trọng, góp phần thúc đẩy năng lực nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Thái Lan.

Kế hoạch điện hạt nhân

Trước đó, vào giữa tháng 11, Ủy ban Điều tiết Năng lượng (ERC) Thái Lan đang khẩn trương nghiên cứu triển khai dự án điện hạt nhân, tập trung vào các nhà máy điện hạt nhân quy mô nhỏ dưới 300 MW. Các Lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) được xem như "cánh cửa" mở ra giải pháp năng lượng sạch và bền vững cho quốc gia Đông Nam Á này.

Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao gấp 2-3 lần nhà máy nhiệt điện truyền thống, các chuyên gia cho rằng SMR vẫn là lựa chọn kinh tế dài hạn. Với tuổi thọ vận hành lên tới 60 năm và chi phí nhiên liệu thấp, các lò phản ứng này mang lại lợi thế đáng kể so với các nhà máy điện truyền thống.

Những ưu điểm phù hợp nổi bật của SMR bao gồm tiết kiệm không gian với bán kính giới hạn dưới 1 km, cùng với công nghệ an toàn với lò phản ứng đúc sẵn và quan trọng nhất là khả năng nhập khẩu nhiên liệu uranium từ các nước như Mông Cổ, Ukraine và Australia.

Láng giềng Việt Nam tiếp nhận lò phản ứng hạt nhân từ Trung Quốc, khẳng định vị trí tiên phong ở Đông Nam Á - ảnh 3
Bình áp suất lò phản ứng mô-đun nhỏ được lắp đặt vào nhà máy điện hạt nhân Sanmen 3, Chiết Giang, Trung Quốc

Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) dự báo điện hạt nhân có thể giảm chi phí sản xuất điện từ 4 baht xuống còn 2 baht cho mỗi đơn vị. Đây là giải pháp then chốt khi nguồn khí đốt tự nhiên của Thái Lan đang dần cạn kiệt.

Theo Kế hoạch Phát triển Điện (PDP) 2024, Thái Lan đặt mục tiêu nâng tỉ lệ năng lượng sạch từ 20% năm 2023 lên 51% vào cuối năm 2037. Tuy nhiên, tính đến tháng 4/2024, trữ lượng điện của quốc gia này chỉ đạt 25,8%, giảm so với mức 30,9% của năm trước.

Chuyên gia nhấn mạnh, bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, sự chấp nhận của người dân sẽ là yếu tố quyết định thành công của dự án điện hạt nhân. Thái Lan đang từng bước xây dựng niềm tin và nâng cao nhận thức cộng đồng về tiềm năng của công nghệ này.

Với những nỗ lực hiện tại, Thái Lan đang khẳng định vai trò tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ năng lượng hạt nhân tại khu vực Đông Nam Á.

Theo World Nuclear News, CNBC