Kỷ nguyên ‘Trump 2.0’ hiện thực hóa tham vọng sao Hỏa của Elon Musk, NASA chuẩn bị có thay đổi lớn?
(Thị trường tài chính) - Việc đưa con người lên Sao Hỏa, giấc mơ lâu nay của tỷ phú Elon Musk, đang có triển vọng trở thành ưu tiên lớn hơn dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Theo Reuters, chính quyền của ông Trump có thể sẽ ưu tiên đưa sứ mệnh Sao Hỏa lên hàng đầu. Điều này sẽ dẫn đến thay đổi lớn trong chương trình thám hiểm không gian của NASA, đặc biệt là chương trình Artemis – khởi xướng từ nhiệm kỳ đầu của Trump và vẫn được duy trì dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Chương trình Artemis hiện tại của NASA đặt mục tiêu sử dụng tên lửa Starship do SpaceX chế tạo để đưa con người lên Mặt Trăng, tạo nền tảng cho các sứ mệnh tới Sao Hỏa.
Tuy nhiên, dưới thời ông Trump, nhiều khả năng chương trình sẽ tập trung trực tiếp vào hành tinh đỏ, với kế hoạch khởi động một sứ mệnh không người lái tới Sao Hỏa trong thập kỷ này. Đích đến là Sao Hỏa không chỉ tham vọng hơn so với Mặt Trăng mà còn chứa đựng nhiều thách thức và rủi ro. Doug Loverro, cựu lãnh đạo bộ phận thám hiểm của NASA, cho biết: "Ít nhất, chúng ta sẽ có một kế hoạch hướng tới Sao Hỏa thực tế hơn, và Sao Hỏa sẽ trở thành mục tiêu dưới thời ông Trump”.
Là người sáng lập SpaceX, Elon Musk đã ủng hộ ông Trump một cách công khai và mạnh mẽ, bao gồm việc tham gia vận động tranh cử và chi 119 triệu USD cho chiến dịch của ông.
Musk nhiều lần khẳng định mục tiêu đưa con người lên Sao Hỏa và xây dựng một thành phố tự cung tự cấp tại đó. Ông tin rằng sứ mệnh không người lái của Starship có thể diễn ra vào năm 2026 và bốn năm sau sẽ là sứ mệnh có phi hành gia.
Musk đã tạo được sự ủng hộ từ phía ông Trump, người coi Mặt Trăng chỉ là "bệ phóng" để tiến xa hơn tới Sao Hỏa.
Kế hoạch đầy tham vọng của ông Trump và Elon Musk có thể mang đến một số cải cách cho NASA. NASA dưới thời Donald Trump có thể chuyển hướng sang hợp tác với các công ty tư nhân theo hình thức hợp đồng chi phí cố định, giao nhiều trách nhiệm hơn cho các công ty như SpaceX và cắt giảm các nhiệm vụ tốn kém trong chương trình Artemis.
Cách tiếp cận này có thể gây bất lợi cho Hệ thống Phóng Không gian (SLS) – hệ thống tên lửa duy nhất của NASA do Boeing phát triển, đã tiêu tốn 24 tỷ USD từ năm 2011. Tuy nhiên, việc dừng SLS sẽ khó khăn vì điều này không chỉ tác động đến hàng nghìn lao động mà còn khiến Mỹ phải phụ thuộc nhiều hơn vào SpaceX.
Trong bối cảnh mới, chính quyền của ông Trump, cùng với sự hỗ trợ từ Musk, sẽ đặt mục tiêu đưa nhân loại lên một hành tinh mới, một bước tiến có thể định hình lại tầm nhìn không gian của nước Mỹ trong thập kỷ tới.
Theo Reuters