Kỷ lục 1.000 tỷ USD của Trung Quốc khiến ông Trump đau đầu, ‘vũ khí’ thuế quan cũng khó giải quyết triệt để?
(Thị trường tài chính) - Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết áp thuế để giảm thâm hụt, nhưng bài toán thương mại trở nên phức tạp hơn nhiều khi thâm hụt của Mỹ không chỉ đến từ Trung Quốc.
Năm 2024, Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại kỷ lục gần 1.000 tỷ USD, trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ cũng được dự báo ở mức tương đương. Tuy nhiên, chỉ 1/3 thặng dư của Trung Quốc đến từ Mỹ và chỉ 1/3 thâm hụt thương mại của Mỹ là với Trung Quốc.
Điều này khiến bài toán thương mại trở nên phức tạp đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump, người cam kết áp thuế để giảm thâm hụt của Mỹ.
Bài toán thương mại phức tạp
Giới phân tích đánh giá, nếu chính quyền của ông Trump chỉ đánh thuế hàng hóa Trung Quốc, tác động có thể không lớn như kỳ vọng.
Nhiều quốc gia khác cũng đang có thặng dư lớn với Mỹ, và họ cần xuất khẩu sang nền kinh tế số một thế giới để bù đắp thâm hụt với Trung Quốc. Nếu Washington chỉ nhắm vào Bắc Kinh, thâm hụt thương mại của Mỹ có thể gia tăng với các nước khác khi doanh nghiệp Mỹ tìm nguồn cung thay thế.
Ngược lại, nếu ông Trump áp thuế trên diện rộng, ông có nguy cơ gây tổn hại đến quan hệ với các đồng minh kinh tế quan trọng.
Trong nhiều thập kỷ, thâm hụt thương mại lớn của Mỹ đối với hàng hóa sản xuất đã khiến nhiều việc làm lương cao bị mất đi, làm suy yếu năng lực công nghiệp quốc phòng. Nhưng điều này cũng giúp người tiêu dùng Mỹ hưởng lợi từ giá thấp.
Trong trường hợp ông Trump áp thuế mạnh tay, giá cả của các mặt hàng nhập khẩu như ô tô, smartphone có thể tăng lên - gây ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng.
Áp lực từ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc
Trong khi Mỹ loay hoay với chính sách thương mại, Trung Quốc cũng đối mặt với thách thức riêng. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể tăng trưởng bền vững hơn nếu tiêu dùng nội địa được thúc đẩy thay vì quá phụ thuộc vào xuất khẩu.
Nhưng để đạt được điều này, Bắc Kinh cần chuyển hướng ngân sách từ quân sự, an ninh và doanh nghiệp nhà nước sang các chương trình phúc lợi xã hội, cũng như cắt giảm thuế tiêu dùng 13% và các loại thuế khác đối với hàng hóa xa xỉ nhập khẩu như ô tô Mỹ.
Hiện tại, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn đang vượt xa tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu. Năm ngoái, xuất khẩu của nước này tăng hơn 12% trong khi thương mại toàn cầu chỉ tăng khoảng 3%.
Brad Setser, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, nhận định: “Đó là mức tăng không thể duy trì lâu dài. Xuất khẩu Trung Quốc không thể tăng trưởng gấp 4 lần tốc độ thương mại toàn cầu mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia khác”.
Trung Quốc hiện là nhà cung cấp chính của nhiều nền kinh tế từ châu Âu, châu Phi, châu Mỹ đến châu Á – Thái Bình Dương, xuất khẩu các mặt hàng như ô tô, đồ gia dụng và thiết bị điện tử.
Để mua hàng từ Trung Quốc, nhiều nước phải xuất khẩu sang Mỹ để kiếm về đồng USD.
Liên minh châu Âu (EU) là một ví dụ. Lượng hàng hóa họ nhập khẩu từ Trung Quốc có trị giá gấp đôi lượng hàng họ xuất khẩu sang nước này, dẫn đến thâm hụt thương mại 247 tỷ USD vào năm ngoái. Tuy nhiên, EU lại có thặng dư thương mại khoảng 240 tỷ USD với Mỹ.
Với các nước đang phát triển, tình trạng mất cân bằng còn nghiêm trọng hơn, ngoại trừ một số nước xuất khẩu dầu mỏ và tài nguyên. Các quốc gia châu Phi, chẳng hạn, mua 3 USD hàng hóa từ Trung Quốc cho mỗi 2 USD hàng xuất khẩu sang nước này, và sau đó lại đảo ngược tỷ lệ này trong thương mại với Mỹ.
Cuộc đối đầu thương mại và lựa chọn của Mỹ - Trung
Tháng trước, Bắc Kinh tuyên bố hồi rằng họ sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ hàng chục quốc gia nghèo nhất thế giới.
Nhưng vì Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong hầu hết các ngành công nghiệp sản xuất, động thái này có thể không làm thay đổi đáng kể dòng chảy thương mại.
Nếu Mỹ áp thuế mạnh tay trong khi Trung Quốc cắt giảm thuế, nhiều quốc gia có thể phản ứng gay gắt.
Bắc Kinh hiện đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ra ngoài nhóm đồng minh truyền thống như Nga, Iran và Triều Tiên, bằng cách thu hút các nước đang phát triển thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như thúc đẩy du lịch miễn thị thực từ châu Âu và Đông Á để cải thiện quan hệ kinh tế.
Chuyên gia chỉ ra cốt lõi của bài toán thương mại Mỹ - Trung nằm ở chênh lệch tỷ lệ tiết kiệm. Người dân Trung Quốc có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn cho hàng nhập khẩu, đặc biệt sau khi thị trường bất động sản sụp đổ làm bốc hơi phần lớn tài sản.
Trong khi đó, người Mỹ tiết kiệm rất ít và bù đắp thâm hụt thương mại bằng cách vay nợ từ phần còn lại của thế giới.
Một số quan chức và chuyên gia kinh tế Trung Quốc tin rằng đầu tư trực tiếp vào các nhà máy tại Mỹ có thể giúp cải thiện quan hệ thương mại giữa 2 nước thay vì đối đầu bằng thuế quan.
Ngược lại, các nhà lập pháp Mỹ vẫn tỏ ra dè dặt, thậm chí đã thông qua một số quy định hạn chế đầu tư của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Khi ông Trump chuẩn bị nhậm chức với cam kết cứng rắn về thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc đều phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong việc định hình chiến lược kinh tế và thương mại toàn cầu.
Theo WSJ