HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Khách sạn Esports bùng nổ, 490 triệu game thủ trở thành mỏ vàng tỷ đô của siêu cường châu Á

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Những quán net kết hợp khách sạn đang mọc lên khắp Trung Quốc, thu hút hàng trăm triệu người trẻ và mang về doanh thu hơn 3,7 tỷ USD trong năm 2023.

Với hơn 21.000 cơ sở trên toàn quốc, những khách sạn chuyên biệt dành cho game thủ đang trở thành hiện tượng mới trong ngành dịch vụ lưu trú tại Trung Quốc, theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Niko Partners. Xu hướng này đang lan rộng nhanh chóng khắp châu Á, từ Nhật Bản đến Malaysia và Singapore.

Điển hình như Jinnang E-Sports Pan-Entertainment Hotel tại Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, nơi đã trở thành điểm đến yêu thích của nhiều game thủ trẻ. Khách sạn được thiết kế đặc biệt với các phòng kiểu ký túc xá có tới 5 giường tầng, trang bị màn hình lớn, ghế gaming cao cấp cùng kho đồ ăn phong phú phục vụ 24/7.

Khách sạn Esports bùng nổ, 490 triệu game thủ trở thành mỏ vàng tỷ đô của siêu cường châu Á - ảnh 1
Một phòng khách sạn Esport với đầy đủ tiện nghi ở Thành Đô, Trung Quốc

 

"Chơi game một mình rất chán. Và ở đây, không ai có thể làm phiền việc chơi game của tôi", Zhu Hao, 1 nhân viên văn phòng ngoài 20 tuổi chia sẻ. Anh thường xuyên thuê phòng cùng bạn bè để chơi các tựa game phổ biến như League of Legends hay PUBG Battlegrounds.

Mô hình khách sạn gaming không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí của cộng đồng game thủ ngày càng lớn mạnh, mà còn phản ánh xu hướng phát triển của ngành thể thao điện tử với các giải đấu chuyên nghiệp có giải thưởng lên đến hàng triệu USD.

"Thế hệ trẻ Trung Quốc hiện nay không quá đặt nặng việc tiết kiệm. Họ ưu tiên trải nghiệm và sự thoải mái hơn là lo lắng về chi phí", Zhang Zijun, quản lý một khách sạn thuộc chuỗi Yueta nhận định. "Họ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng dịch vụ như kích thước giường ngủ hay môi trường chơi game thoải mái cùng bạn bè".

Sự phát triển mạnh mẽ của các khách sạn gaming cũng phản ánh rõ nét sự thay đổi trong văn hóa giải trí của giới trẻ Trung Quốc. Thế hệ được mệnh danh là "thích nằm dài" này đang theo đuổi lối sống đơn giản, tập trung vào những trải nghiệm giải trí gần gũi cùng bạn bè thay vì các hoạt động đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Theo chia sẻ của anh Zhang, quản lý khách sạn gaming trên 30 tuổi, đối tượng khách hàng chính của họ là nam giới độ tuổi 20-30, chủ yếu là dân văn phòng đam mê game.

Với 40 phòng được trang bị hàng trăm tựa game và đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật 24/7, khách sạn duy trì tỷ lệ lấp đầy ấn tượng 92%. Vào cuối tuần, cơ sở thường xuyên trong tình trạng kín phòng. Bên cạnh các phòng tiêu chuẩn, khách sạn còn thiết kế những căn phòng với tông màu hồng, ghế điện tử và đèn LED nhằm thu hút khách hàng nữ.

Đặc điểm nổi bật của loại hình khách sạn này là không gian công cộng và hành lang thường vắng lặng, khi phần lớn khách lưu trú trong phòng để chơi game xuyên đêm. "Có nhóm khách đăng ký ở một đêm nhưng kéo dài đến tám đêm. Họ chỉ ở trong phòng chơi game và gọi đồ ăn liên tục," anh Zhang kể.

Khách sạn Esports bùng nổ, 490 triệu game thủ trở thành mỏ vàng tỷ đô của siêu cường châu Á - ảnh 2
Ngoài dàn máy xịn, các game thủ còn được cung cấp phòng nhiều giường và các tiện ích phù hợp cho nhóm bạn

 

Khác với phương Tây, nơi game thủ thường chơi trực tuyến tại nhà, esports ở Trung Quốc và châu Á là hoạt động mang tính cộng đồng cao. Alexander Champlin, chuyên gia phân tích cao cấp tại Niko Partners nhận định: "Việc tụ tập chơi game cùng bạn bè không chỉ tiết kiệm chi phí hơn so với đầu tư thiết bị cá nhân, mà còn thuận lợi cho việc trao đổi chiến thuật".

Mô hình này bùng nổ trong đại dịch Covid-19, khi các quán internet đóng cửa vì giãn cách xã hội. Hiện nay, với mức giá chỉ 14 USD/người/đêm cho nhóm bốn người, các khách sạn gaming đang chiếm ưu thế cạnh tranh so với tiệm net truyền thống.

Tại Nam Kinh, khách sạn E-Blue Esports Hotel được nhiều người trẻ yêu thích nhờ thiết kế theo phong cách Vị Lai (futuristic). Không gian được chiếu sáng bằng đèn LED xanh, các phòng được trang bị giường tầng dạng buồng ngủ tàu vũ trụ và bài trí hiện đại, tạo cảm giác như bước vào phim khoa học viễn tưởng. Giá phòng có thể lên đến 200 USD cho 4 người/ 3 đêm.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Li Wei, quản lý E-Blue Esports Hotel, sự cạnh tranh trong ngành đang ngày càng gay gắt. Trong bán kính chỉ 2 dặm đã có gần chục khách sạn tương tự, thậm chí một chuỗi khách sạn gaming gần đây đã phải tuyên bố phá sản do cạnh tranh về giá, trước khi được tiếp quản bởi chủ sở hữu mới.

Khách sạn Esports bùng nổ, 490 triệu game thủ trở thành mỏ vàng tỷ đô của siêu cường châu Á - ảnh 3
Khách sạn E-Blue Esports Hotel tại TP Nam Kinh

Bài toán kinh tế - xã hội

Mặc dù Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ với ngành công nghiệp game, đặc biệt là giới hạn thời gian chơi game của trẻ vị thành niên, chính phủ vẫn xem esports là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này được thể hiện qua việc Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham dự lễ khai mạc Á vận hội 2023 tại Hàng Châu, nơi esports lần đầu tiên được công nhận là môn thi đấu chính thức.

Theo số liệu từ Ủy ban Thể thao Điện tử thuộc Hiệp hội Xuất bản Âm thanh-Video và Kỹ thuật số Trung Quốc, quốc gia này hiện có khoảng 490 triệu game thủ, với doanh thu ngành tăng 4% lên gần 3,7 tỷ USD trong năm 2023. Riêng mảng lưu trú gaming đã đạt doanh thu khoảng 2,7 tỷ USD trong năm ngoái, theo báo cáo từ Ctrip.com.

Sự kiện ra mắt tựa game "Black Myth: Wukong" vào tháng 8 đã tạo động lực mới cho ngành công nghiệp này. Theo đánh giá của các chuyên gia Niko Partners và chủ khách sạn, tựa game made in China này không chỉ thúc đẩy doanh số bán thiết bị gaming mà còn mang lại lợi ích cho các khách sạn esports.

Khách sạn Esports bùng nổ, 490 triệu game thủ trở thành mỏ vàng tỷ đô của siêu cường châu Á - ảnh 4
Esports (thể thao điện tử) tiếp tục là môn thể thao chính thức tại Á vận hội ASIAD 20 vào năm 2026 

 

Thâm Quyến, vốn nổi tiếng là trung tâm sản xuất điện tử, đang nổi lên như một thủ phủ esports với hơn 350 khách sạn gaming. Thành phố này đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành, thu hút sự quan tâm của cả nhà đầu tư lớn nhỏ. Điển hình như Tập đoàn Fosun International - chủ sở hữu CLB Wolverhampton Wanderers và CLB Esports Wolves tại Trung Quốc - đang lên kế hoạch gia nhập thị trường khách sạn gaming.

"Các doanh nghiệp đang chú ý tới thị trường khán giả trẻ thông qua esports," Chuyên gia Teng Feifei, Phó Chủ tịch Fosun Sports Group nhận định. "Xu hướng nổi bật nhất là sự kết hợp giữa esports với ngành khách sạn và du lịch văn hóa".

Làn sóng khách sạn gaming này cũng đang lan rộng tới Đông Nam Á. Tại Malaysia, tổ chức SEM9 - sở hữu nhiều đội tuyển chuyên nghiệp thi đấu League of Legends và PUBG Mobile - đã mở rộng sang lĩnh vực khách sạn. CEO Kevin Wong cho biết sau khi cải tạo 44 phòng gaming tại khách sạn 3 sao ở Johor Bahru vào năm 2022, công suất phòng đã tăng gấp đôi lên trên 40%.

"Thị trường khách sạn esports tại Đông Nam Á còn nhiều tiềm năng phát triển," Wong chia sẻ khi đang đàm phán với các chủ khách sạn khác về việc chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu giải trí ngày càng đa dạng, nhiều chuyên gia trong ngành dịch vụ dự đoán mô hình khách sạn gaming sẽ còn tiếp tục mở rộng đa dạng, không chỉ ở Trung Quốc mà còn phát triển mạnh mẽ khắp khu vực châu Á.

Theo BNN, SCMP