Iraq xem xét dự luật cho phép trẻ em gái được kết hôn từ... 9 tuổi
Dự thảo luật gây tranh cãi nhằm sửa đổi Luật Tình trạng Hôn nhân hiện hành tại quốc gia Hồi giáo - Iraq, vốn quy định độ tuổi tối thiểu kết hôn là 18.
Quốc hội Iraq đang xem xét một dự luật gây nhiều lo ngại, theo đó đề xuất hạ độ tuổi kết hôn hợp pháp của trẻ em gái xuống 9 tuổi. Bộ Tư pháp Iraq đưa ra dự luật này nhằm sửa đổi Luật Tình trạng Cá nhân hiện hành, vốn quy định độ tuổi tối thiểu kết hôn là 18.
Dự luật cho phép công dân lựa chọn giữa cơ quan tôn giáo hoặc tòa án dân sự để giải quyết các vấn đề gia đình. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng thu hẹp quyền bình đẳng trong các vấn đề thừa kế, ly hôn và quyền nuôi con.
Nếu được thông qua, dự luật sẽ cho phép trẻ em gái từ 9 tuổi và trẻ em trai từ 15 tuổi kết hôn, làm gia tăng nguy cơ tảo hôn và bóc lột trẻ em. Nhiều ý kiến cho rằng đây là bước thụt lùi, có thể làm suy yếu những tiến bộ về quyền phụ nữ và bình đẳng giới trong nhiều thập kỷ qua.
Một số nhóm đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng đối với giáo dục, sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em gái. Họ chỉ ra rằng tảo hôn có thể dẫn đến tỷ lệ bỏ học cao hơn, mang thai sớm và gia tăng nguy cơ bạo lực gia đình.
Trong khi đó, theo số liệu của UNICEF, 28% trẻ em gái ở Iraq kết hôn trước 18 tuổi. Chuyên gia Sarah Sanbar, nhà nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nhận định: "Việc thông qua luật này sẽ cho thấy một quốc gia đang thụt lùi thay vì tiến lên".
Bà Amal Kabashi, nhà hoạt động xã hội từ Mạng lưới Phụ nữ Iraq cũng bày tỏ quan ngại, cho rằng sửa đổi này "trao quyền cho nam giới thống trị các vấn đề gia đình" trong một xã hội vốn đã bảo thủ, chứ không thực chất bảo vệ quyền lợi của trẻ em gái trong hôn nhân.
Cuối tháng 7, Quốc hội Iraq đã rút lại đề xuất này sau khi nhiều nhà lập pháp phản đối. Tuy nhiên, dự luật lại xuất hiện trong phiên họp ngày 4/8 với sự ủng hộ của các khối Shia có ảnh hưởng lớn trong hội đồng.
Những thay đổi được đề xuất đánh dấu sự khác biệt so với luật năm 1959, vốn chuyển giao thẩm quyền luật gia đình từ các nhân vật tôn giáo sang cơ quan tư pháp nhà nước. Dự luật mới sẽ đưa ra lựa chọn áp dụng quy tắc tôn giáo, chủ yếu từ Hồi giáo Shia và Sunni, nhưng không đề cập đến các cộng đồng tôn giáo khác trong xã hội đa dạng của Iraq.
Những người ủng hộ cho rằng dự luật nhằm chuẩn hóa luật Hồi giáo và bảo vệ trẻ em gái khỏi "những mối quan hệ vô đạo đức". Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng lập luận này bỏ qua thực tế nghiêm trọng của nạn tảo hôn tràn lan tại quốc gia Hồi giáo này.
Bà Sarah Sanbar từ HRW cảnh báo, bằng cách trao quyền quyết định hôn nhân cho các nhà chức trách tôn giáo, sửa đổi này sẽ "làm suy yếu nguyên tắc bình đẳng theo luật pháp Iraq" và "có thể hợp pháp hóa việc tảo hôn của những bé gái chỉ mới 9 tuổi, đánh cắp tương lai và hạnh phúc của vô số trẻ em".
“Trẻ em gái xứng đáng được vui chơi ở sân chơi và đến trường, chứ không phải trong bộ váy cưới", bà nhấn mạnh.
Hiện chưa rõ liệu nỗ lực thay đổi luật này có thành công hay không, khi nhiều nỗ lực tương tự trước đây đã thất bại.
Theo NDTV