Intel tiến đến thỏa thuận sản xuất chip cho quân đội Mỹ trị giá 3,5 tỷ USD
(Thị trường tài chính) - Dự án Secure Enclave không chỉ là cơ hội vàng để Intel vực dậy, mà còn là bước đi chiến lược của Mỹ nhằm đảm bảo an ninh công nghệ quốc gia.
Ngày 13/9 vừa qua, "gã khổng lồ chip" Intel đã chính thức đủ điều kiện nhận khoản tài trợ Liên bang Mỹ lên tới 3,5 tỷ USD nhằm sản xuất chất bán dẫn cho Lầu Năm Góc, sau khi đạt được thỏa thuận với các quan chức từ Washington.
Chương trình bí mật mang tên Secure Enclave tập trung vào sản xuất chip tiên tiến phục vụ cho các ứng dụng quân sự và tình báo. Chương trình này được triển khai trên nhiều tiểu bang, trong đó có nhà máy sản xuất tại Arizona.
Dù Intel được coi là ứng cử viên sáng giá, vẫn có sự phản đối từ các đối thủ trong ngành bán dẫn, với lo ngại về sự phụ thuộc quá mức của nguồn cung chip vào một công ty duy nhất. Theo đó, cuộc tranh luận về nguồn tài trợ giữa các cơ quan chính phủ với Quốc hội Mỹ có thể khiến tổng số tiền tài trợ cho chương trình với Intel bị cắt giảm.
Khoản tài trợ này sẽ bổ sung cho gói hỗ trợ 19,5 tỷ USD mà Intel đã nhận được vào tháng 3 theo Đạo luật Chip và Khoa học. Đây là Đạo luật được Tổng thống Joe Biden ký thông qua vào năm 2022, nhằm tái thiết ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp châu Á.
Hiện tại, Intel vẫn đang thương lượng các điều khoản của gói hỗ trợ lớn hơn, nhằm phát triển các nhà máy ở Arizona, Ohio, New Mexico và Oregon. Tuy nhiên, đến nay Intel chưa nhận được bất kỳ khoản tài trợ nào từ Bộ Thương mại Mỹ quản lý và Secure Enclave vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ.
Thị trường phản ứng tích cực với tin tức này, với cổ phiếu Intel tăng nhẹ dưới 1% trong phiên giao dịch muộn ngày thứ Sáu. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để cải thiện đáng kể tình hình của công ty, khi cổ phiếu đã giảm 61% trong năm nay, đóng cửa ở mức 19,66 USD.
Thỏa thuận Secure Enclave này cũng phản ánh thực tế rằng chính quyền Biden có ít lựa chọn thay thế. Lầu Năm Góc đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nguồn cung chip tiên tiến phải đến từ một công ty Mỹ, và Intel là lựa chọn duy nhất đáp ứng tiêu chí này. Các đối thủ như TSMC và Samsung đang xây dựng nhà máy tại Mỹ, nhưng vẫn được xem là doanh nghiệp nước ngoài.
Intel đang phải đối mặt với thách thức trong việc thu hút các khách hàng lớn như Nvidia và AMD. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã kêu gọi hai công ty này cân nhắc sản xuất tại nhà máy mới của Intel ở Ohio, nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.
Về phía Lầu Năm Góc, việc hợp tác với các nhà sản xuất chip cũng không hề đơn giản. Một báo cáo gần đây từ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng các doanh nghiệp tham gia chương trình sản xuất chip quốc phòng trước đây đã gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu và tạo ra lợi nhuận.
Quá trình đàm phán tài trợ cho Secure Enclave cũng gặp nhiều trở ngại. Ban đầu, Lầu Năm Góc dự kiến tài trợ 2,5 tỷ USD nhưng đã rút lại vào tháng 2. Quốc hội sau đó giao nhiệm vụ cho Bộ Thương mại đảm bảo 1 tỷ USD còn lại.
Bên cạnh đó, cuộc tranh cãi về ngân sách dành cho phát triển công nghệ đã ảnh hưởng đến nhiều dự án khác trong ngành.
Bộ Thương mại Mỹ đã buộc phải hủy bỏ một chương trình nghiên cứu quan trọng, từ chối đề xuất 4 tỷ USD của Applied Materials Inc. tại Thung lũng Silicon. Nỗ lực bổ sung 3 tỷ USD cho Đạo luật Chips nhằm khôi phục các dự án bị cắt giảm cũng đang lâm vào bế tắc tại Quốc hội Mỹ.
Theo BNN, Reuters