Hàng loạt ngân hàng lớn tại Mỹ đối diện rủi ro từ nợ xấu, chuyện gì đã xảy ra?
(Thị trường tài chính) - Theo các chuyên gia, khả năng khủng hoảng nợ vẫn còn xa. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ không thể thu hồi nhìn chung vẫn phù hợp với các mức từng ghi nhận trong lịch sử.
Theo dữ liệu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), tỷ lệ nợ quá hạn đối với nợ thẻ tín dụng, vay mua ô tô và nợ bất động sản thương mại gần đây đã tăng lên mức cao hơn so với trước đại dịch Covid-19.
Vì vậy, các ngân hàng Mỹ đang tăng dự trữ để chuẩn bị cho khả năng bị lỗ trong mảng cho vay. Mặc dù việc các ngân hàng tăng dự trữ khi mức cho vay tăng lên theo thời gian là điều bình thường, nhưng tỷ lệ dự trữ trên tổng lượng cho vay của Wells Fargo, Bank of America, JPMorgan và Citigroup đang bắt đầu tăng dần.
Kể từ tháng 6/2022, dự trữ của Wells Fargo và Bank of America đã tăng lần lượt khoảng 1,8 tỷ USD và 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, các con số này vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ Đại suy thoái.
Mỗi tháng, Cục Dự trữ Liên bang New York khảo sát khoảng 1.300 người Mỹ về khả năng họ không thể thanh toán khoản nợ tối thiểu trong ba tháng tới. Ngoài giai đoạn đại dịch, mức độ bi quan hiện tại của người dân chưa từng cao đến thế kể từ năm 2017.
Khó khăn của người tiêu dùng trong việc trả nợ thẻ tín dụng và khoản vay mua ô tô cho thấy lạm phát và lãi suất, dù đã giảm trong những tháng gần đây, vẫn đang ảnh hưởng lớn đến tài chính cá nhân.
Tính đến quý II năm nay, hơn 3% tổng số tài khoản thẻ tín dụng ở Mỹ có số dư quá hạn, cao hơn mức chưa đến 2% vào năm 2021.
Bruce McClary, Phó Chủ tịch cấp cao của Quỹ Tư vấn Tín dụng Quốc gia nói với Business Insider rằng tình trạng nợ thẻ tín dụng quá hạn tăng đều đặn trong một khoảng thời gian ngắn là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, một báo cáo ngày 26/9 của Fed cho thấy đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ quá hạn trong các khoản vay mua ô tô cũng tăng đáng kể so với mức trước đại dịch.
Trang web ô tô Edmunds cho biết ngày càng có nhiều người Mỹ nợ nhiều hơn giá trị chiếc xe của họ. Ông Stephen Biggar, Giám đốc nghiên cứu dịch vụ tài chính của công ty Argus Research nhận định nếu một ngân hàng buộc phải thu hồi một chiếc xe như vậy, giá trị của chiếc xe thậm chí sẽ không đủ để bù đắp khoản vay, khiến cho ngân hàng bị lỗ.
Tình trạng nợ quá hạn đối với các khoản vay mua ô tô đang tăng lên, nhưng không phải tăng đột ngột hay bất ngờ. Thay vào đó, sự gia tăng này diễn ra từ từ nhưng đều đặn, điều này làm dấy lên lo ngại về những hậu quả tiềm ẩn trong tương lai.
Theo Business Insider, một vấn đề khác đối với các ngân hàng là nhiều doanh nghiệp có khoản vay bất động sản thương mại đang gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Ông Stephen Biggar cho biết một phần nguyên nhân là do tỷ lệ trống văn phòng đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm qua, dù nhiều công ty đã kêu gọi nhân viên trở lại văn phòng làm việc sau đại dịch.
Lãi suất tăng cao cũng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ những khoản vay bất động sản thương mại, vì khi một số khoản vay sắp đến hạn, các doanh nghiệp phải đảo nợ với lãi suất cao hơn nhiều.
Theo các chuyên gia, khả năng khủng hoảng nợ vẫn còn xa. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ không thể thu hồi nhìn chung vẫn phù hợp với các mức từng ghi nhận trong lịch sử. Ngoài ra, một số ngân hàng chỉ đơn giản là đang khôi phục lượng dự trữ đã cạn kiệt trong thời kỳ đại dịch.
Tuy nhiên, ông Biggar nhận định nếu nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng, sự gia tăng nợ quá hạn có thể trở thành mối lo ngại lớn hơn.
Theo BI