Gian lận hơn 24.000 tỷ đồng tiền cứu trợ cho nạn nhân siêu bão, một quốc gia phanh phui hơn 900 người liên quan
(Thị trường tài chính) - Số tiền 1 tỷ USD đã bị một số cá nhân không thuộc diện người được cứu trợ lạm dụng, chi tiêu sai mục đích…
Hành vi gian lận tiền cứu trợ hơn 24.000 tỷ đồng
Bão Katrina, một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử nước Mỹ đã đổ bộ vào Bắc Đại Tây Dương hồi tháng 8 năm 2005. Với sức gió lên đến 280km/h và sóng biển cao hơn 8m, bão Katrina đã tàn phá các khu vực ven biển, đặc biệt là bang Louisiana và thành phố New Orleans.
Cơn bão khiến hơn 1.800 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương, và hơn 80% diện tích New Orleans bị ngập lụt.
Trong nỗ lực cứu trợ và tái thiết sau thảm họa, Chính phủ Mỹ đã huy động một lượng lớn nguồn lực tài chính. Hơn 120 tỷ USD đã được phân bổ cho các hoạt động cứu trợ, tái định cư, và khôi phục cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, một sự thật đáng buồn và gây phẫn nộ là xuất hiện hành vi gian lận đối với khoản tiền khoảng 1 tỷ USD, tương đương hơn 24.000 tỷ đồng (theo tỷ giá hiện tại) trong quá trình phân phối các khoản cứu trợ dành cho nạn nhân của cơn bão Katrina.
Các báo cáo từ Cơ quan Kiểm toán và Điều tra Liên bang cho thấy số tiền cứu trợ 1 tỷ USD này đã bị một số cá nhân không thuộc diện người được cứu trợ lạm dụng, chi tiêu sai mục đích…Được biết, phần lớn số tiền đã được dùng để mua sắm hàng hóa xa xỉ, chi tiêu cá nhân…
Tiến hành điều tra
Các cuộc điều tra đã chỉ ra sự thiếu sót nghiêm trọng trong việc giám sát, quản lý, phân phối các khoản cứu trợ, khiến cho số tiền lớn này không đến được tay những người thực sự cần giúp đỡ.
Nó đã bị “phát sai người, sai mục đích” do sự thiếu sót của Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên bang (FEMA) và một số đơn vị khác. Cụ thể, số tiền được giải ngân thông qua các chương trình hỗ trợ nhà ở và thẻ ghi nợ do FEMA cung cấp cho những người mất nhà cửa sau bão.
Tuy nhiên, cuộc điều tra cho thấy FEMA đã “nhầm” và chi tiền cho những người không sống trong khu vực bị ảnh hưởng bởi bão, bao gồm cả 1.000 tù nhân. Thậm chí, cơ quan này còn thực hiện thanh toán cho những người đang sống trong phòng khách sạn miễn phí.
Cơ quan cũng trả hơn 20.000 USD cho một tù nhân, Gregory Kutz - Giám đốc bộ phận Kiểm toán của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết. Các kiểm toán viên ước tính rằng khoảng 16% viện trợ của FEMA đã bị thất thoát do người trình báo gian lận và con số thực tế có thể còn cao hơn.
Để tìm hiểu hành vi gian lận, các nhà điều tra đã tự mình gửi đơn yêu cầu hỗ trợ giả mạo và sử dụng một số phương pháp chuyên biệt. Kết quả cho thấy, phần lớn các khoản thanh toán bất hợp pháp xảy ra do FEMA không xác minh danh tính của người yêu cầu hoặc xác nhận địa chỉ của họ.
Một trường hợp điển hình được GAO nêu bật là FEMA đã thực hiện 26 khoản thanh toán cho một người nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản tại 13 địa chỉ khác nhau ở Louisiana, Mississippi và Alabama; đồng thời sử dụng 13 số an sinh xã hội khác nhau.
Đáng chú ý, chỉ một trong số các số an sinh xã hội này là hợp lệ và hồ sơ tài sản cho thấy người này chưa bao giờ sống tại bất kỳ địa chỉ nào trong số 13 địa chỉ trên. Thậm chí, chỉ có 8/13 địa chỉ là có thật.
Thẻ ghi nợ của FEMA cũng trở thành mục tiêu của những kẻ có ý định gian lận. GAO phát hiện ra nhiều khoản chi tiêu không liên quan đến nhu cầu cứu trợ thảm họa, chẳng hạn như 3.700 USD cho đồng hồ, hoa tai và nhẫn kim cương; một kỳ nghỉ trọn gói một tuần ở Dominica; 200 USD cho rượu sâm panh Dom Perignon…
Mặc dù FEMA đã thu hồi được một phần số tiền bị sử dụng sai mục đích, nhưng Cơ quan này vẫn chưa thể làm rõ được 381 thẻ ghi nợ trị giá khoảng 760.000 USD, tính đến thời điểm báo cáo được đưa ra.
907 cá nhân bị cáo buộc gian lận
Sau đó, Lực lượng đặc nhiệm chống gian lận bão Katrina thông báo có 907 cá nhân bị cáo buộc gian lận liên quan đến số tiền cứu trợ này.
Cuối cùng, báo cáo của GAO nhấn mạnh: "FEMA cần phải khắc phục những điểm yếu trong quy trình đăng ký để giảm thiểu nguy cơ xảy ra gian lận và thanh toán sai”.
Sự cố này không chỉ làm mất mát tài chính mà còn gây tổn thất lớn đến lòng tin của người dân đối với các cơ quan chức năng và những tổ chức chịu trách nhiệm phân phối cứu trợ.
Hàng nghìn người bị ảnh hưởng bởi cơn bão đã không nhận được sự hỗ trợ cần thiết, trong khi các nguồn lực cứu trợ bị thất thoát một cách vô ích.
Sự kiện đã trở thành một bài học đắt giá về quản lý và giám sát cứu trợ khẩn cấp, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc xử lý các nguồn lực công cộng, đặc biệt là trong những thời điểm khủng hoảng.