Đồng minh của Mỹ cân nhắc cắt viện trợ cho quốc đảo chiến lược ở Thái Bình Dương, Trung Quốc 'ngư ông đắc lợi'

Thanh Lê

(Thị trường tài chính) - Đồng minh Thái Bình Dương hiếm khi công khai mâu thuẫn, nhưng căng thẳng giữa New Zealand và Kiribati đã thu hút sự chú ý đến quốc đảo nghèo khó và biệt lập này.

Mới đây, Chính phủ cánh hữu của New Zealand bất ngờ tuyên bố xem xét lại chương trình viện trợ dành cho Kiribati, với lý do bị lãnh đạo quốc đảo này phớt lờ, động thái này đã gây lo lắng nghiêm trọng cho khoảng 120.000 người dân Kiribati, theo một bộ trưởng nước này.

Đồng minh của Mỹ cân nhắc cắt viện trợ cho quốc đảo chiến lược ở Thái Bình Dương, Trung Quốc 'ngư ông đắc lợi' - ảnh 1
Đảo san hô Tawara phía đông ở Kiribati, một quốc gia Micronesia gồm 33 đảo san hô nằm rải rác trên một khu vực xa xôi ở trung tâm Thái Bình Dương

Theo Viện Lowy, viện trợ nước ngoài chiếm 18% tổng thu nhập quốc gia của Kiribati vào năm 2022, với New Zealand là một trong những nhà tài trợ lớn nhất.

Kiribati, quốc đảo thuộc khu vực Micronesia, gồm 33 đảo san hô trải dài trên một vùng rộng 3,5 triệu km² ở trung tâm Thái Bình Dương, lớn hơn diện tích của Ấn Độ. Dù dân số ít, Kiribati sở hữu một trong những vùng đặc quyền kinh tế lớn nhất thế giới và có vị trí chiến lược quan trọng gần Hawaii cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ tại Guam. Điều này khiến quốc đảo này trở thành mục tiêu tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc.

Tranh chấp ngoại giao 

Tranh chấp bùng nổ khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand, Winston Peters, bất ngờ tuyên bố xem xét lại hàng triệu USD viện trợ dành cho Kiribati sau khi Tổng thống Taneti Maamau hủy cuộc gặp đã lên kế hoạch trước đó.

Tháng trước, ông Peters dẫn đầu một phái đoàn đến Kiribati để bàn giao dự án nâng cấp bệnh viện trị giá 14 triệu USD do New Zealand tài trợ. Nhưng chỉ một tuần trước chuyến thăm, phía Kiribati thông báo rằng Tổng thống Maamau, cũng là Ngoại trưởng nước này, “không thể sắp xếp thời gian tiếp đoàn.”  

Đồng minh của Mỹ cân nhắc cắt viện trợ cho quốc đảo chiến lược ở Thái Bình Dương, Trung Quốc 'ngư ông đắc lợi' - ảnh 2
Winston Peters, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand

Văn phòng ông Peters tuyên bố rằng “sự thiếu vắng tiếp xúc cấp cao” đã gây khó khăn trong việc xác định các ưu tiên chung và đảm bảo viện trợ được sử dụng hiệu quả. Trong giai đoạn 2021-2024, New Zealand đã cam kết viện trợ 57 triệu USD cho Kiribati trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, ngư nghiệp, phát triển kinh tế và chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, phía Kiribati lại cho rằng đây chỉ là “sự hiểu lầm”. Văn phòng Tổng thống Kiribati ra thông báo cho biết họ "ngạc nhiên khi thấy truyền thông đưa tin về chuyến thăm của Peters", đồng thời khẳng định rằng hai bên vẫn đang đàm phán để tìm ngày gặp mặt phù hợp hơn.

Ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực

Nhiều chuyên gia nhận định tranh chấp này phản ánh lo ngại của các nước phương Tây rằng Trung Quốc đang dần gia tăng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương, làm suy yếu lợi ích của họ.

Trong thời gian xảy ra tranh chấp, Tổng thống Maamau đã công du hai nước láng giềng gần nhất của Kiribati. Trong khi New Zealand và Australia gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chính phủ Kiribati, Trung Quốc lại không gặp trở ngại nào.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia Thái Bình Dương đã thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh. Năm 2019, Tổng thống Maamau đã chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc, theo sau nhiều quốc đảo Thái Bình Dương khác. 

Kể từ khi tái đắc cử nhiệm kỳ III vào tháng 10/2023, ông Maamau ngày càng theo đường lối độc đoán và biệt lập, gây lo ngại về tính minh bạch của các thỏa thuận với Bắc Kinh. 

Một lãnh đạo phe đối lập đã bày tỏ quan ngại về 10 thỏa thuận giữa Kiribati và Trung Quốc được ký kết năm 2022 mà chưa có thông tin rõ ràng.

Đồng minh của Mỹ cân nhắc cắt viện trợ cho quốc đảo chiến lược ở Thái Bình Dương, Trung Quốc 'ngư ông đắc lợi' - ảnh 3
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Kiribati Taneti Maamau

New Zealand, Australia và Mỹ cũng lo ngại về sự hiện diện của lực lượng an ninh Trung Quốc tại Kiribati và quần đảo Solomon. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc chưa thực sự đổ quá nhiều tiền vào Kiribati, và tác động phát triển của các khoản viện trợ từ Bắc Kinh vẫn còn là dấu hỏi.  

Lo ngại từ Mỹ  

Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã gia tăng nỗ lực đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương bằng cách ký các thỏa thuận an ninh với Papua New Guinea, Fiji, và gia hạn các Hiệp ước Liên kết Tự do với Palau, Liên bang Micronesia và Quần đảo Marshall.

Tuy nhiên, viện trợ của Mỹ chỉ chiếm 7% tổng viện trợ quốc tế cho khu vực vào năm 2022. Chính quyền Biden đã cố gắng mở lại đại sứ quán tại Kiribati nhưng không thành công.  

Khi ông Donald Trump quay lại nắm quyền, các quốc gia Thái Bình Dương lo ngại Mỹ sẽ cắt giảm viện trợ, rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những động thái có thể làm suy yếu nghiêm trọng vị thế của Mỹ trong khu vực.  

Biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với các đảo quốc Thái Bình Dương, vốn dễ bị tổn thương trước tình trạng nước biển dâng, rạn san hô suy giảm, thiếu nước ngọt và nguồn cá cạn kiệt.

Thủ tướng Papua New Guinea, James Marape, từng gọi việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris là “hoàn toàn vô trách nhiệm.” Ông nhấn mạnh: “Những nhà lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm không chỉ với đất nước mình mà còn với cả hành tinh”.  

Theo các chuyên gia, dưới thời ông Trump, Mỹ có thể sẽ ưu tiên hợp tác an ninh thay vì hỗ trợ phát triển. Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã ký lệnh tăng cường hiện diện của Lực lượng Tuần duyên Mỹ tại Thái Bình Dương.  

Điều này làm dấy lên lo ngại rằng các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ bị buộc phải chọn giữa viện trợ từ Mỹ và Trung Quốc. 

Theo Powles, "Chiến lược của ông Trump tại Thái Bình Dương sẽ vừa mang tính giao dịch, vừa đặt ưu tiên an ninh lên trên hợp tác phát triển", điều này có thể buộc các nước trong khu vực phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Jon Fraenkel của Đại học Victoria (New Zealand), các nước này “không phải kẻ ngốc”.  

“Bất kỳ động thái nào cô lập Kiribati khỏi New Zealand hay Australia cũng sẽ khiến họ tìm kiếm sự hỗ trợ từ nơi khác. Nhưng quan điểm cho rằng họ chỉ đơn thuần bị ‘mê hoặc’ bởi lợi ích từ Bắc Kinh là một cách nhìn nhận quá đơn giản”.

Theo CNN