‘Đỉnh’ như Warren Buffett: Bán tháo cổ phiếu, tăng tích trữ tiền mặt ngay trước khi thị trường toàn cầu 'rực lửa'
(Thị trường tài chính) - Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Berkshire bán ra số cổ phiếu trị giá 97 tỷ USD nhưng ông chỉ mua vào 4,3 tỷ USD.
Trong thế giới tài chính đầy biến động, ít ai có thể sánh được với Warren Buffett về tài năng cũng như sự kính trọng mà giới đầu tư dành cho ông. Nổi tiếng với các chiến lược đầu tư dài hạn và sự nhạy bén đáng kinh ngạc, ngày hôm qua “nhà tiên tri xứ Omaha” lại một lần nữa khiến cộng động tài chính phải “ngả mũ thán phục”.
Phiên hôm qua (5/8) là một ngày đen tối với chứng khoán toàn cầu với sắc đỏ bao trùm từ Á sang Âu và cả chứng khoán Mỹ. Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 12%, đánh dấu ngày giảm mạnh nhất kể từ năm 1987. Các thị trường khác trong khu vực, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, cũng ghi nhận mức giảm đáng kể. Các thị trường châu Âu cũng không ngoại lệ, với các chỉ số chính giảm mạnh, phản ánh sự lo lắng của nhà đầu tư trên toàn cầu.
Tại Hoa Kỳ, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 1.033,99 điểm (2,6%), chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,43%, và chỉ số S&P 500 giảm 3%. Đây là ngày tồi tệ nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ tháng 9/2022. Báo cáo việc làm kém khả quan, cùng với dự báo lợi nhuận yếu từ các công ty công nghệ lớn, đã góp phần đáng kể vào đợt bán tháo này.
Điều đáng nói là ngay trước đó, vào sáng 3/8, báo cáo tài chính quý II của tập đoàn Berkshire Hathaway cho thấy Buffett đã bán ra gần một nửa số cổ phiếu Apple mà họ đang nắm giữ, xuống còn khoảng 400 triệu cổ phiếu. Lượng tiền mặt mà Berkshire đang cầm tăng mạnh 80 tỷ USD so với quý trước, lên mức cao kỷ lục 277 tỷ USD.
Hiện tiền mặt chiếm khoảng 30% nếu so với giá trị vốn hóa hơn 900 tỷ USD của Berkshire. Trong quý II, tập đoàn cũng mua vào rất ít cổ phiếu, giá trị vỏn vẹn 345 triệu USD, giảm mạnh so với mức 2,6 tỷ USD trong quý I và 2,2 tỷ USD trong quý IV/2023.
Ngoài cổ phiếu Apple, Berkshire cũng bán ra khoảng 3,8 tỷ USD cổ phiếu của Bank of America chỉ tính riêng trong tháng 7.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Berkshire bán ra số cổ phiếu trị giá 97 tỷ USD nhưng ông chỉ mua vào 4,3 tỷ USD.
Lời cảnh tỉnh cho nhà đầu tư?
Từ năm 1965 đến 2023, giá trị sổ sách của Berkshire Hathaway đã tăng với tốc độ trung bình hàng năm khoảng 19,8%, trong khi S&P 500, bao gồm cổ tức tái đầu tư, chỉ tăng khoảng 10,2% mỗi năm. Trong giai đoạn này, lợi nhuận tích lũy của Berkshire Hathaway là hơn 3.600.000%, so với mức tăng 30.000% của S&P 500.
Với thành tích đầu tư đáng nể, lịch sử cho thấy, các hành động của Buffett thường cung cấp những hiểu biết quan trọng về điều kiện thị trường, và động thái gần đây cũng không ngoại lệ. Lần này, động thái bán mạnh cổ phiếu và tăng cường lượng tiền mặt đáng kể của Buffett được cho là báo hiệu sự thận trọng, có thể ngụ ý rằng thị trường đang được định giá quá cao hoặc dự đoán trước sự bất ổn kinh tế sắp tới.
Ông đã biến Berkshire từ một công ty dệt may thành một tập đoàn đa ngành khổng lồ. Với hàng chục công ty con hoạt động trong mọi lĩnh vực, có thể coi Berkshire chính là “nền kinh tế Mỹ thu nhỏ”. Do đó, xu hướng hành động của Berkshire cũng phản ánh góc nhìn của Buffett về nền kinh tế số 1 thế giới.
Đợt bán tháo vừa qua, bị trầm trọng hóa bởi căng thẳng địa chính trị, lãi suất tăng, và những lo ngại về nền kinh tế Mỹ, đã làm nổi bật những điểm yếu và sự bấp bênh của kinh tế thế giới cũng như thị trường tài chính ở thời điểm hiện tại. Một lần nữa, việc Buffett ưu tiên các tài sản có tính thanh khoản cao trong thời kỳ không chắc chắn nhấn mạnh một nguyên tắc đầu tư cơ bản: tiền mặt là vua.
Trong các giai đoạn bất ổn, lượng tiền mặt dự trữ lớn sẽ mang đến sự linh hoạt và khả năng nắm bắt những cơ hội mới có thể xuất hiện trong khi thị trường hỗn loạn. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, điều này là một lời nhắc nhở hãy duy trì một danh mục đầu tư cân bằng, đảm bảo đủ thanh khoản để vượt qua các đợt suy thoái tiềm năng.
Ngoài ra, hành động của Buffett còn mang đến một số bài học không bao giờ cũ. Đó là các nhà đầu tư nên theo dõi các xu hướng thị trường và sẵn sàng điều chỉnh chiến lược của mình để đối phó với những rủi ro mới nổi. Bên cạnh đó, đánh giá và quản lý rủi ro đúng cách là rất quan trọng. Đa dạng hóa đầu tư và duy trì thanh khoản sẽ giúp giảm thiểu tổn thất tiềm năng trong các đợt suy thoái thị trường. Và cuối cùng, dù trong hoàn cảnh nào, sự kiên nhẫn và tính kỷ luật là 2 yếu tố sống còn mà nhà đầu tư nhất định phải tuân thủ.
Theo CNBC, Barron's