HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Đế chế hàng hiệu LVMH đưa ngành hàng xa xỉ cất cánh ở Olympic Paris 2024

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Tập đoàn hàng xa xỉ Louis Vuitton Moët Hennessy (LVMH) đang đầu tư 150 triệu euro (163 triệu USD) vào Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024. Đây được coi là một “cú hích” trong bối cảnh tiêu dùng hàng xa xỉ đang chậm lại trên toàn cầu.

Sự hiện diện của các thương hiệu xa xỉ tại Thế vận hội ngày càng rõ nét. Từ rượu champagne Moët trong lễ ăn mừng chiến thắng đến những chiếc vali Louis Vuitton được thiết kế riêng cho lễ trao huy chương, ngành hàng xa xỉ đã tạo được chỗ đứng vững chắc về mặt hình ảnh tại sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Đế chế hàng hiệu LVMH đưa ngành hàng xa xỉ cất cánh ở Olympic Paris 2024 - ảnh 1
LVMH cung cấp những chiếc rương đựng huy chương của Thế vận hội Olympic Paris 2024

 

Carly Duguid, Giám đốc hình ảnh của VĐV Naomi Osaka - ngôi sao quần vợt cũng được coi là biểu tượng thời trang của giới nhà giàu, nhận định: "Có sự tương đồng mạnh mẽ giữa khả năng, màn trình diễn tuyệt vời của các vận động viên với sự xuất sắc trường tồn của các thương hiệu xa xỉ."

Trong kỷ nguyên của KOL, Influencer (những người có sức ảnh hưởng đối với công chúng), thời trang đã nhanh chóng bao trùm thế giới thể thao, đưa các vận động viên lên vị trí người định hình xu hướng. Điều này giúp các thương hiệu tiếp cận với một thị trường người hâm mộ và khách hàng tiềm năng hoàn toàn mới.

Đế chế hàng hiệu LVMH đưa ngành hàng xa xỉ cất cánh ở Olympic Paris 2024 - ảnh 2
VĐV tennis Naomi Osaka

 

Xu hướng này không chỉ giới hạn ở LVMH. Naomi Osaka là vận động viên đầu tiên hợp tác với Louis Vuitton, theo sau là Victor Wembanyama, Carlos Alcaraz và nhiều vận động viên Olympic và Paralympic người Pháp. 

Gucci có đại sứ thương hiệu là cầu thủ bóng đá Jack Grealish và quảng cáo với hình ảnh tay vợt Jannik Skinner. Tại WNBA 2024, Caitlin Clark là cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên mặc trang phục của Prada. Hàng chục nhà thiết kế xa xỉ cũng lần đầu tiên thiết kế trang phục cho các đội tuyển quốc gia trong lễ khai mạc Olympic.

LVMH đang tiên phong trở thành thương hiệu xa xỉ đầu tiên tài trợ chính thức cho Olympic. Khoản đầu tư khoảng 160 triệu USD, chiếm gần 1% lợi nhuận năm 2023 của tập đoàn, sẽ mang đến những điểm chạm xa xỉ cho Thế vận hội. Từ những tấm huy chương do Chaumet thiết kế đến trang phục của vận động viên Pháp do Berluti sáng tạo và đồng phục mang phong cách cổ điển Pháp của LVMH cho người cầm huy chương, sự hiện diện của tập đoàn sẽ được thể hiện đa dạng và tinh tế.

Tăng trưởng của ngành xa xỉ trong bối cảnh mới

Việc liên kết với các sự kiện thể thao hàng đầu thế giới có thể giúp LVMH duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh chi tiêu cho hàng xa xỉ đang chậm lại. LVMH không đạt mục tiêu doanh số và doanh thu trong quý II năm nay, phản ánh xu hướng chung của ngành xa xỉ do nhu cầu toàn cầu giảm. Nguyên nhân chính là tình hình tài chính bất ổn gia tăng và sự thu hẹp của thị trường người tiêu dùng "tiềm năng" - những người trẻ tuổi lần đầu mua hàng xa xỉ.

Đế chế hàng hiệu LVMH đưa ngành hàng xa xỉ cất cánh ở Olympic Paris 2024 - ảnh 3
Mô hình tinh xảo của thương hiệu LV trong những chiếc rương dành riêng cho ngọn đuốc Olympic 2024

 

Ông Milton Pedraza, CEO của công ty tư vấn The Luxury Institute, nhận định rằng những người mua tiềm năng mới sẽ bị thu hút bởi hình ảnh các vận động viên Olympic được bao quanh bởi thương hiệu LVMH, thay vì chỉ quan tâm đến "một chiếc thắt lưng vô danh".

 Ông cũng lưu ý rằng các thương hiệu xa xỉ đang chuyển hướng từ việc chỉ tập trung vào các môn thể thao đắt tiền và độc quyền như quần vợt (tennis) và chèo thuyền, sang chiến lược mà ông gọi là "tính bao hàm đi kèm tính độc quyền".

Đế chế hàng hiệu LVMH đưa ngành hàng xa xỉ cất cánh ở Olympic Paris 2024 - ảnh 4
Nghệ nhân của LVMH đang hoàn thiện các sản phẩm dành riêng cho thế vận hội Olympic 2024

 

Pedraza giải thích: "Ngày nay, khi nhiều người giàu lên từ vai trò vận động viên, diễn viên, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, có nhiều ý tưởng cho rằng bất kể xuất thân, bạn đều có thể tham gia vào lĩnh vực xa xỉ nếu đạt được khả năng kinh tế".

Kỷ nguyên mới của sự sang trọng trong thể thao

LVMH không chỉ mang đến cho Olympic nét quyến rũ cổ điển của Pháp thông qua lễ khai mạc mang đậm tính thời trang, mà còn thể hiện tầm ảnh hưởng vượt xa văn hóa Pháp. Pedraza nhấn mạnh: "Thể thao, hàng xa xỉ và thời trang đưa chúng ta lại gần nhau hơn... Văn hóa chung là mục tiêu để đảm bảo sự thịnh vượng và mở rộng của ngành hàng xa xỉ".

Sự kiện tiệc tối trước lễ khai mạc tại Fondation Louis Vuitton ở Paris là minh chứng cho sự giao thoa này. VĐV Naomi Osaka cùng các ngôi sao thể thao như Lebron James (bóng rổ), Serena Williams (tennis) và nhiều nhân vật nổi tiếng khác đều xuất hiện trong trang phục từ các thương hiệu LVMH.

Đế chế hàng hiệu LVMH đưa ngành hàng xa xỉ cất cánh ở Olympic Paris 2024 - ảnh 5
Tay vợt người Ý Jannik Sinner ra sân với chiếc túi vải thô có biểu tượng Gucci 

 

Duguid mô tả đây là "cơ hội hoàn hảo để các đại sứ vận động viên xuất hiện, ủng hộ quan hệ đối tác LVMH đồng thời kỷ niệm sự khởi đầu của Thế vận hội". Cô cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện của LVMH sẽ được cảm nhận trong mọi khía cạnh của Thế vận hội, từ họa tiết đặc trưng trên khay đựng huy chương đến các chi tiết khác trong suốt sự kiện.

Theo CNBC