'Cuộc chiến' công nghệ Mỹ-Trung ‘tràn xuống’ đáy biển, chuyện gì đã xảy ra?
(Thị trường tài chính) - Căng thẳng công nghệ Mỹ-Trung Quốc đã lan tới một mặt trận mới và cáp ngầm trở thành nguyên nhân. Theo đó, nhận thức của công chúng về mạng lưới này cùng ngày một gia tăng.
Cáp ngầm là gì?
Theo công ty nghiên cứu thị trường viễn thông TeleGeometry, hàng trăm tuyến cáp viễn thông khổng lồ trải dài gần 1,4 triệu km đang nằm sâu dưới nước.
Một số tuyến cáp có chiều dài ngắn hơn, ví dụ như tuyến cáp CeltixConnect dài 131 km nối Ireland với Vương quốc Anh. Tuy nhiên, nhiều tuyến cáp lại dài hơn rất nhiều như tuyến Asia America Gateway - chiều dài lên tới 20.000 km.
CNBC viết, số lượng cáp ngầm dưới biển trên khắp hành tinh dự kiến sẽ tăng trong những năm tới, do nhu cầu về lưu lượng dữ liệu ngày càng tăng - được thúc đẩy bởi sự phổ biến của dịch vụ phát trực tuyến video và dịch vụ đám mây.
Tính đến đầu năm 2024, TeleGeometry cho biết dữ liệu của họ đã theo dõi 574 tuyến cáp ngầm đang hoạt động cũng như đã được lên kế hoạch xây dựng.
Tại sao cáp ngầm lại quan trọng?
Cáp ngầm dưới biển là xương sống của mạng Internet toàn cầu, truyền tải 99% lưu lượng dữ liệu xuyên lục địa của thế giới, theo CNBC.
Andy Champagne, Giám đốc công nghệ của Akamai Labs, chia sẻ với CNBC qua email: “Nếu bạn gửi e-mail, nhắn tin hoặc trò chuyện video với ai đó ở lục địa khác, bạn đã sử dụng cáp ngầm dù có thể là bạn không để ý đến điều đó”.
Ông cũng nói thêm rằng: “Mặc dù chúng ta được kết nối với nhau bằng một mạng lưới cáp quang vật lý phức tạp trên đất liền, nhưng cấu trúc liên kết dưới đại dương còn phức tạp hơn. Việc lắp đặt cáp ngầm dưới biển thực sự rất khó khăn. Và khi cáp ngầm gặp sự cố, việc sửa chữa không phải công việc dễ dàng”.
Theo Joe Vaccaro, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty giám sát internet ThousandEyes thuộc sở hữu của Cisco, một yếu tố quan trọng khiến cáp ngầm là thứ không thể thiếu là tác động của chúng khi bị gián đoạn.
″Với cá nhân như bạn và tôi, chúng ta có thể không biết khi nào thì cáp quang biển bị đứt. Những gì chúng ta nhận thấy là ứng dụng mà chúng ta đang cố truy cập đột nhiên trở nên rất chậm hoặc không khả dụng”, Joe Vaccaro nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn.
Khi những lần như vậy xảy ra, các nhà cung cấp sẽ phải cố gắng điều chỉnh lưu lượng truy cập từ các tuyến cáp bị đứt sang các tuyến cáp khác nhau. Và nếu nó xảy ra cùng lúc, mạng sẽ bị nghẽn.
Rủi ro an ninh ngày càng tăng
Trước đây, cáp ngầm chủ yếu được sở hữu và vận hành bởi các công ty viễn thông. Tuy nhiên, gần đây, các công ty công nghệ lớn của Mỹ gồm Meta, Google, Microsoft và Amazon đã đầu tư những khoản tiền đáng kể để lắp đặt hệ thống cáp của riêng họ.
Vào năm 2021, Meta và Google đã công bố kế hoạch lắp đặt hai tuyến cáp ngầm khổng lồ nối liền Bờ Tây nước Mỹ với Singapore và Indonesia. Các tuyến cáp xuyên Thái Bình Dương Echo và Bifrof dự kiến sẽ tăng 70% dung lượng dữ liệu giữa các khu vực và cải thiện độ ổn định của Internet.
Meta thì đang đầu tư vào cả hai tuyến cáp, trong khi Google chỉ hỗ trợ Echo. Meta trước đó cũng đã công bố kế hoạch xây dựng một tuyến cáp dưới biển dài 37.000km quanh Châu Phi để cung cấp khả năng truy cập Internet tốt hơn, trong khi Google cũng đang nghiên cứu một tuyến cáp ngầm dưới biển có tên Equiano nhằm mục đích kết nối Châu Phi với Châu Âu.
Trích dẫn các nguồn tin giấu tên trong Bộ Ngoại giao Mỹ, tờ Wall Street Journal đưa tin hồi tháng 5 rằng các quan chức Mỹ đã cảnh báo riêng các công ty công nghệ bao gồm Google và Meta rằng các tuyến cáp ngầm dưới biển ở khu vực Thái Bình Dương có thể bị các tàu sửa chữa Trung Quốc theo dõi.
Theo CNBC, cáp ngầm đang trở thành nguồn gây tranh cãi trong các vấn đề an ninh quốc gia. Dữ liệu mà các mạng này truyền đi có thể liên quan đến thông tin liên lạc “nhạy cảm”.
Những lo ngại của Chính phủ Mỹ không phải là mới và đã được ghi nhận rộng rãi. Ngoài ra, CNBC cũng đưa tin, Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng cáp ngầm của riêng mình để cạnh tranh với Mỹ.
Theo CNBC