HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Công ty mẹ của TikTok đòi cựu thực tập sinh bồi thường 1,1 triệu USD vì phá hoại dự án AI

Đăng Đức

(Thị trường tài chính) - Tranh chấp pháp lý khá căng thẳng và có phần hy hữu đã xảy ra liên quan đến ByteDance – công ty chủ quản của ứng dụng “cực hot” TikTok và một nam thanh niên người Trung Quốc.

ByteDance, chủ sở hữu của TikTok và Douyin, đã đệ đơn kiện một cựu thực tập sinh, cáo buộc anh chàng này sửa đổi mã và phá hoại một dự án đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI). 

Công ty công nghệ internet của Trung Quốc có trụ sở chính tại Hải Điến, Bắc Kinh còn yêu cầu đối tượng kể trên bồi thường 8 triệu nhân dân tệ (1,1 triệu USD) cũng như xin lỗi công khai, theo một báo cáo của phương tiện truyền thông địa phương.

Hãng truyền thông Trung Quốc Southern Metropolis Daily đưa tin vào thứ Tư (27/11) rằng vụ án đã được Tòa án quận Hải Điến ở Bắc Kinh thụ lý.

Công ty mẹ của TikTok đòi cựu thực tập sinh bồi thường 1,1 triệu USD vì phá hoại dự án AI - ảnh 1
ByteDance - công ty mẹ của TikTok vừa đâm đơn kiện một nam cựu thực tập sinh và yêu cầu người này bồi thường hơn 1,1 triệu USD - Ảnh minh họa: CKGSB Knowledge

Vào tháng 10, tin đồn lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho rằng hành động của một thực tập sinh ByteDance nhắm vào mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của công ty đã gây ra thiệt hại đáng kể. Vào thời điểm đó, ByteDance cũng làm rõ rằng cá nhân này đã bị sa thải vào tháng 8 vì “cản trở ác ý” một nhiệm vụ đào tạo.

Tuy nhiên, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video đình đám TikTok đã bác bỏ suy đoán rằng sự cố trên gây gián đoạn liên quan đến hơn 8.000 đơn vị xử lý đồ họa và gây ra thiệt hại lên tới hàng chục triệu USD, đồng thời cho rằng những tuyên bố như vậy là phóng đại.

Vào tháng này, ByteDance đã đưa vụ việc này vào thông báo kỷ luật nội bộ, trong đó xác định thực tập sinh họ Tian đã hành động vì không hài lòng với cách phân bổ nguồn lực của nhóm.

Thông báo nêu rằng Tian (Thiên) đã can thiệp vào mã để phá hoại công tác đào tạo mô hình của một dự án nghiên cứu, gây lãng phí đáng kể tài nguyên. Công ty ByteDance cho biết họ đã báo cáo hành động của Tian cho hai tổ chức đạo đức nghề nghiệp tại Trung Quốc - Trust and Integrity Enterprise Alliance và Enterprise Anti-Fraud Alliance - cũng như cho trường Đại học của chàng trai này.

Bất chấp những biện pháp này, Tian vẫn liên tục phủ nhận mọi hành vi sai trái trong quá trình điều tra, khiến công ty phải có hành động pháp lý, tờ Southern Metropolis Daily đưa tin, trích dẫn một nguồn tin nội bộ giấu tên.

Sự cố này đã thu hút sự chú ý của công chúng, vì ByteDance đang tăng cường nỗ lực trong lĩnh vực AI. Bot trò chuyện Doubao khá giống ChatGPT của công ty này, ra mắt vào tháng 8 năm 2023, đã đứng đầu bảng xếp hạng chatbot AI trong nước với 51 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến tháng 10, theo Aicpb.com, một trang web theo dõi các sản phẩm AI.

Công ty mẹ của TikTok đòi cựu thực tập sinh bồi thường 1,1 triệu USD vì phá hoại dự án AI - ảnh 2
Ứng dụng chatbot Doubao được chụp ảnh trên điện thoại thông minh ở Bắc Kinh, ngày 12 tháng 11 năm 2024. Ảnh: Simon Song 

Lượng người dùng của Doubao lớn hơn Wenxiaoyan của Baidu (trước đây gọi là Ernie Bot) với 12,5 triệu người dùng và Kimi của Moonshot AI được Alibaba Group Holding hậu thuẫn với 10 triệu người dùng.

Các “gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc”, bao gồm ByteDance, Alibaba và Meituan, đang mở rộng các sáng kiến về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thung lũng Silicon, bao gồm việc thành lập văn phòng và thu hút nhân tài hàng đầu. Tuy nhiên họ phải đối phó với các hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với việc tiếp cận các chip AI tiên tiến nhất của Nvidia – yếu tố quan trọng trong việc phát triển các mô hình tiên tiến, theo báo cáo của Financial Times vào tuần trước.

Theo  South China Morning Post (SCMP)