HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

'Con ngựa ô’ trong cuộc đua AI: Từ kẻ đến sau trở thành người dẫn đầu, đưa nhà sáng lập vào hàng ngũ tỷ phú giàu nhất thế giới

Thiên Kim

(Thị trường tài chính) - Nhà sản xuất phần mềm cơ sở dữ liệu này đã trải qua sự hồi sinh đầy bất ngờ, biến nhà sáng lập trở thành một trong những tỷ phú giàu có nhất thế giới.

Cho đến gần đây, theo Financial Times, thị trường điện toán đám mây dường như đã bị “khóa chặt”. Chỉ 3 công ty Mỹ là Amazon, Microsoft và Google chiếm gần 2/3 hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng đám mây, cung cấp dịch vụ điện toán cho những khách hàng không còn muốn tự vận hành trung tâm dữ liệu của riêng họ.

Giống như nhiều lĩnh vực khác trong ngành công nghệ, AI đang khiến mọi người phải suy nghĩ lại. Một thế hệ các đối thủ cạnh tranh mới trong lĩnh vực đám mây đã tìm thấy cơ hội khi nhu cầu về sức mạnh điện toán khổng lồ để đào tạo và vận hành mô hình AI mới nhất gia tăng đột biến. 

Chuyên gia cho hay, câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu họ có thể tận dụng làn sóng nhu cầu này để đạt được quy mô toàn diện không hay đây chỉ là cơ hội ngắn hạn. Cơ hội đó được tạo ra bởi tình trạng thiếu hụt chip AI, cùng với nhu cầu không ngừng của thị trường chứng khoán trong việc tìm kiếm thêm những cổ phiếu đứng sau những kẻ chiến thắng trong lĩnh vực AI.

Các nhà phân tích đã lấy sự hồi sinh bất ngờ của Oracle, với tư cách là một công ty cơ sở hạ tầng đám mây, làm ví dụ. 

Theo đó, cổ phiếu công ty đã nhảy vọt 15% sau báo cáo lợi nhuận gần đây và tăng 90% kể từ đầu năm ngoái. Điều này đã giúp nhà đồng sáng lập Larry Ellison tạm thời vượt mặt Jeff Bezos vào ngày 13/9 để trở thành người giàu thứ 2 thế giới với giá trị tài sản ròng 209 tỷ USD, theo Forbes.

'Con ngựa ô’ trong cuộc đua AI: Từ kẻ đến sau trở thành người dẫn đầu, đưa nhà sáng lập vào hàng ngũ tỷ phú giàu nhất thế giới - ảnh 1

Larry Ellison, sinh năm 1944 tại New York (Mỹ), có một tuổi thơ đầy biến động. Ông nhiễm viêm phổi vào năm 9 tuổi, và được gia đình người dì Lilian Ellison nhận nuôi ở Chicago sau khi cha mẹ ông ly dị. 

Từ nhỏ, Ellison đã sớm bộc lộ năng khiếu về toán học và khoa học, cùng với một tinh thần độc lập mạnh mẽ. Larry Ellison thi đỗ vào Đại học Illinois năm 1962 - được mệnh danh “sinh viên khoa học của năm”. Sang đến năm thứ 2, mẹ nuôi của ông qua đời và Larry quyết định bỏ học.

Sau đó, ông chuyển đến California và bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ - nơi ông thành lập Oracle vào năm 1977 cùng Ed Oates và Bob Miner.

Oracle lần đầu phát hành cổ phiếu năm 1986, giúp doanh thu của công ty đạt mốc 55 triệu USD. Đến năm 1990, vốn hóa thị trường của Oracle giảm 80% khiến công ty đứng trên bờ vực phá sản và phải sa thải 10% nhân lực khi đó.

Nhờ tài lãnh đạo và bộ óc kinh doanh của Ellison, Oracle đã trở lại một cách mạnh mẽ và nhanh chóng trở thành một trong những công ty phần mềm hàng đầu thế giới, cung cấp đa dạng các giải pháp phần mềm cho doanh nghiệp. 

Sự thành công của Oracle cũng biến ông cũng trở thành một trong những tỷ phú công nghệ giàu có nhất thế giới.

'Con ngựa ô’ trong cuộc đua AI: Từ kẻ đến sau trở thành người dẫn đầu, đưa nhà sáng lập vào hàng ngũ tỷ phú giàu nhất thế giới - ảnh 2

Trong nhiều năm, Oracle dường như hài lòng với việc đứng sau trong sự chuyển đổi nền tảng quan trọng nhất của thế giới CNTT. Công ty đã chuyển các ứng dụng kinh doanh của mình lên điện toán đám mây, nhưng thay vì dốc toàn lực cho lĩnh vực này, họ lại đổ tiền vào việc mua lại cổ phiếu. 

Và khi số lượng cổ phiếu của công ty giảm mạnh trong thập kỷ đến năm 2021, cổ phần cá nhân của Ellison tại đây lại tăng vọt từ 22% lên 42%.

Cuối cùng, Oracle có vẻ như đã "giác ngộ" về tiềm năng của điện toán đám mây. Nhưng nhiều người nghi ngờ rằng, liệu có thực sự khả thi hay không để Oracle tham gia vào cuộc cách mạng điện toán chậm hơn 1 thập kỷ rưỡi mà vẫn có thể trở thành một đối thủ đáng gờm. 

Trong một ngành mà quy mô kinh tế thực sự quan trọng, chuyên gia cho biết Oracle sẽ phải đối đầu với các công ty có nguồn lực mạnh và chuyên môn phát triển tốt trong việc vận hành những trung tâm dữ liệu lớn.

Được biết, một phần trong kế hoạch điện toán đám mây mới của Oracle bao gồm việc lắp đặt máy chủ riêng - chạy phần mềm cơ sở dữ liệu của họ - bên trong trung tâm dữ liệu của các công ty đám mây khác. 

Điều này giúp khách hàng dễ dàng kết nối dữ liệu và ứng dụng của họ trên những nền tảng đám mây khác nhau, một động thái đã được củng cố trong tuần này bởi màn hợp tác với đối thủ Amazon Web Services (AWS).

'Con ngựa ô’ trong cuộc đua AI: Từ kẻ đến sau trở thành người dẫn đầu, đưa nhà sáng lập vào hàng ngũ tỷ phú giàu nhất thế giới - ảnh 3

Tuần trước, Ellison dự đoán rằng việc đào tạo các mô hình AI tiên tiến nhất sẽ sớm tốn 100 tỷ USD cho mỗi mô hình, dẫn đến một thị trường khổng lồ chỉ do một số ít công ty thống trị trong thập kỷ tới.

Trong một dấu hiệu thành công ban đầu, gần như toàn bộ tăng trưởng của Oracle trong quý này đều đến từ cơ sở hạ tầng điện toán đám mây, mặc dù nó chỉ chiếm 17%  tổng doanh thu của công ty.

Tuy nhiên, chuyên gia nhận định vẫn còn một khoảng cách lớn giữa Oracle với những ông lớn về điện toán đám mây. Doanh thu 2,2 tỷ USD từ mảng kinh doanh này của họ bị lép vế so với con số 26 tỷ USD mà AWS báo cáo. Đồng thời, chi phí đầu tư của Oracle cũng thấp hơn nhiều so với khoản đầu tư khổng lồ của những công ty công nghệ lớn nhất. 

Để so sánh, công ty của Ellison chi 2,3 tỷ USD để xây dựng trung tâm dữ liệu trong quý này trong khi Microsoft đã đầu tư 19 tỷ USD vào các cơ sở và thiết bị mới.

Hiện tại, tình trạng thiếu hụt GPU của Nvidia đang tạo ra một cơ hội mới, vì ngay cả những công ty lớn nhất cũng tìm cách chuyển bớt một phần nhu cầu điện toán AI của mình sang các công ty khác có nguồn dự phòng. 

Một số tính năng AI trong công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft hiện chạy trên nền tảng đám mây của Oracle, trong khi đối tác thân thiết của Microsoft là OpenAI cũng đã chuyển một phần công việc đào tạo các mô hình AI của mình sang Oracle.

Điều gì sẽ xảy ra khi nguồn cung chip AI bắt kịp nhu cầu vẫn là một câu hỏi mở. Ngoài ra, một số công ty AI lớn nhất xem việc tích hợp dọc - vận hành các mô hình của họ trên phần cứng riêng - là một lợi thế chiến lược quan trọng.

Elon Musk gần đây đã từ chối Oracle khi xây dựng cụm GPU khổng lồ tiếp theo cho X.AI. Thay vào đó, vị tỷ phú nói rằng chuyên môn về phần cứng là kỹ năng cốt lõi mà công ty AI của ông cần phát triển cho chính mình.

Dù vậy, Oracle tuyên bố rằng việc đến sau trong ngành này và thiết kế các trung tâm dữ liệu chuyên dụng đã mang lại cho họ lợi thế so với các cơ sở cũ hơn của những gã khổng lồ điện toán đám mây. Nếu sự hưng phấn về AI lắng xuống, tuyên bố đó có thể bị thử thách, FT cho biết.

Theo FT