HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Cổ phiếu của công ty 139 tuổi tăng 400% nhờ cơn sốt AI

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Cơn sốt AI toàn cầu đã biến một công ty ít người biết đến của Nhật Bản thành một ngôi sao trên thị trường chứng khoán châu Á.

Cổ phiếu của Fujikura Ltd. đã tăng hơn 400% từ đầu năm đến nay, dẫn đầu chỉ số Nikkei 225. Công ty này sẽ là doanh nghiệp Nhật Bản duy nhất được thêm vào chỉ số MSCI toàn cầu vào ngày 25/11, trong khi 8 công ty Nhật khác sẽ bị loại.

Nhu cầu xây dựng hạ tầng phục vụ AI đang bùng nổ mạnh mẽ. Theo ước tính của BNN, ngành công nghiệp này cần ít nhất 1.000 tỷ USD để phát triển các trung tâm dữ liệu, nguồn điện và mạng lưới truyền thông.

Cổ phiếu của công ty 139 tuổi tăng 400% nhờ cơn sốt AI - ảnh 1
Các trung tâm dữ liệu AI có nhu cầu cao đối với các sản phẩm cáp quang do Fujikuma cung cấp

 

"Nhu cầu về trung tâm dữ liệu tăng vọt từ năm 2022. Ban đầu chúng tôi chưa hiểu rõ nguyên nhân, nhưng đến nay đã thấy rõ tất cả đều đến từ AI", ông Kazuhito Iijima, Giám đốc Tài chính Fujikura chia sẻ.

Với thế mạnh về cáp quang đường kính nhỏ, Fujikura đang cung cấp giải pháp tối ưu cho các trung tâm dữ liệu, trong đó có Apple - một trong những khách hàng lớn nhất của công ty.

Mới đây, Fujikura đã nâng dự báo lợi nhuận hoạt động năm tài chính hiện tại thêm 17% lên 104 tỷ Yên (674 triệu USD). Công ty hiện có hơn 70% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài, riêng thị trường Mỹ chiếm 38%.

Theo McKinsey & Company, công suất trung tâm dữ liệu toàn cầu dự kiến tăng trưởng trung bình 33%/năm đến năm 2030. "Ngành này vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. Nhu cầu sẽ còn tăng mạnh khi quy mô hệ thống và lượng dữ liệu gia tăng", ông Kazuhiro Sasaki, Giám đốc nghiên cứu tại Phillip Securities Japan nhận định.

Cổ phiếu của công ty 139 tuổi tăng 400% nhờ cơn sốt AI - ảnh 2
Đà tăng nóng của cổ phiếu Fujikura trong 2 năm qua nhờ sự bùng nổ AI 

 

Khởi đầu từ một xưởng sản xuất dây cách điện bằng lụa và bông năm 1885, Fujikura đã trải qua hành trình phát triển song hành cùng công cuộc công nghiệp hóa Nhật Bản. Công ty đã mở rộng danh mục sản phẩm, cung cấp cáp cho nhiều ngành công nghiệp trọng điểm như ô tô, tiện ích và hệ thống tàu cao tốc của xứ sở Mặt trời mọc.

Tuy nhiên, con đường phát triển của Fujikura không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Năm 2020, doanh nghiệp này lần đầu tiên ghi nhận khoản lỗ sau hơn một thập kỷ do tác động kép từ đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Trước tình hình ông Donald Trump có thể quay lại Nhà Trắng vào năm tới, Fujikura đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm tránh rủi ro thuế quan tại thị trường lớn nhất của mình.

"Chúng tôi vừa hoàn tất việc thiết lập cơ sở sản xuất cáp quang mật độ cực cao tại Mỹ, tuân thủ đầy đủ Đạo luật Xây dựng nước Mỹ, Mua hàng Mỹ (BABA)", ông Iijima cho biết. Theo ông, động thái này sẽ giúp bảo vệ hoạt động kinh doanh của công ty trước các rào cản tiềm ẩn đối với hàng nhập khẩu.

Đà tăng mạnh của cổ phiếu đã đẩy định giá Fujikura lên cao. Hiện P/E của công ty đạt khoảng 29 lần, cao hơn đáng kể so với mức 11,8 lần của Sumitomo Electric Industries Ltd. và 20 lần của Furukawa Electric Co. Dù vậy, giới phân tích vẫn lạc quan về triển vọng của doanh nghiệp với 10 khuyến nghị mua, 3 khuyến nghị nắm giữ và không có khuyến nghị bán.

"Xét đến hiệu suất vượt trội của Fujikura, Furukawa và Sumitomo Electric vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng", ông Andrew Jackson, Giám đốc chiến lược cổ phiếu Nhật Bản tại Ortus Advisors Ptd Ltd. nhận định.

Fujikura đang hướng tới cơ hội lớn tiếp theo, đầu tư vào công nghệ phản ứng tổng hợp hạt nhân. Công nghệ này dù chưa được chứng minh khả năng sản xuất điện quy mô lớn, đã thu hút sự quan tâm từ nhiều tỷ phú công nghệ như Sam Altman, Jeff Bezos và Bill Gates. "Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ trở thành trụ cột của ngành công nghiệp từ năm 2030", ông Iijima chia sẻ.

Theo CNBC