Chuyên gia: 5 rủi ro hiện hữu khiến Mỹ rơi vào suy thoái, Fed cần cắt giảm lãi suất ngay lập tức
(Thị trường tài chính) - Chuyên gia kinh tế Desmond Lachman cảnh báo nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái trong vòng 12 tháng tới là rất cao.
Desmond Lachman, cựu Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết "có rất nhiều lý do để lo lắng" về nền kinh tế Mỹ trong những tháng tới.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Lachman - hiện là thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) - cho biết khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ trong 12 tháng tới là "rất cao", đồng thời chỉ ra một số mối đe dọa lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế hiện tại.
Một trong những mối đe dọa đó là tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc tiếp tục chậm lại. Tăng trưởng GDP của nước này trong quý II/2024 là 4,7% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 5,3% trong quý I và thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Theo Lachman, nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc không theo kịp sản xuất công nghiệp và thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung của nước này.
Cựu Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết "có rất nhiều lý do để lo lắng" về nền kinh tế Mỹ trong những tháng tới
Một rủi ro khác là viễn cảnh về nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump, với những chính sách thuế và thuế quan mà ông đề xuất, Lachman cho biết.
Ông Trump đã nói rằng ông muốn xóa bỏ hoàn toàn thuế thu nhập, cắt giảm thuế doanh nghiệp và đề xuất áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Nhiều nhà kinh tế — bao gồm một nhóm gồm 16 người đoạt giải Nobel — cho rằng những chính sách này sẽ gây ra lạm phát.
Thứ ba, các cuộc xung đột ở Trung Đông vẫn đang tiếp diễn. Nguy cơ xung đột giữa Israel và Iran cũng đang gia tăng, đẩy giá dầu tăng 5% trong 5 ngày qua. Giá dầu tăng cao có nghĩa là chi phí vận chuyển cao hơn, thúc đẩy lạm phát hàng hóa. Nếu lạm phát tăng trở lại, Fed có thể buộc phải giữ lãi suất ở mức cao, làm chậm hoạt động kinh tế.
Thứ tư, nợ công của Pháp và Ý đang tăng lên mức đáng lo ngại, Lachman cho biết. EU có thể buộc hai nước này phải cắt giảm chi tiêu để đạt được mức bền vững, gây tổn hại cho nền kinh tế của họ, ông cho hay.
"Bạn đang nói về quốc gia lớn thứ hai trong khu vực đồng euro, vì vậy tôi chắc chắn rằng châu Âu sẽ gặp vấn đề", ông nói về Pháp. "Về cơ bản, đó là những gì chúng ta đã có vào năm 2010, khi cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đã tác động lớn đến thị trường Mỹ. Vì vậy, nếu các quốc gia có quy mô như Ý và Pháp gặp vấn đề về nợ, thì gần như chắc chắn sẽ có tác động đến nền kinh tế toàn cầu”.
Cuối cùng là sự suy thoái trong thị trường bất động sản thương mại của Mỹ. Tỷ lệ văn phòng bỏ trống vào khoảng 20% và Lachman lo ngại con số này có thể tăng lên khi hợp đồng thuê hết hạn trong tương lai, ông cho biết trong một bài báo đăng trên tờ The Mortgage Note vào tháng 1. Theo ông, sự phổ biến của mua sắm trực tuyến cũng đang gây tổn hại đến các trung tâm mua sắm. Với nhu cầu về bất động sản giảm, các công ty có thể vỡ nợ các khoản vay bất động sản thương mại của họ từ các ngân hàng khu vực, đặt họ vào tình thế khó khăn, và điều này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế rộng lớn hơn, Lachman nói.
Ông kết luận rằng có rất nhiều rủi ro và chỉ cần một hoặc hai trong số những rủi ro này được kích hoạt, tình hình có thể trở nên rất khó khăn.
Với những rủi ro mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt và sự suy giảm của thị trường lao động đang bắt đầu xảy ra, Lachman cho rằng lẽ ra Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 7 và tiếp tục cắt giảm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9 để bù đắp thời gian bị mất và tránh gây sốc cho nhà đầu tư.
Theo Business Insider