Choáng ngợp với sân vận động cao nhất thế giới: Độ cao vượt cả đỉnh Fansipan, ‘cơn ác mộng’ của hàng loạt đội bóng lớn
(Thị trường tài chính) - Độ cao khủng khiếp của sân vận động thậm chí còn khiến nơi đây trở nên quá nguy hiểm để tổ chức hầu hết các trận đấu quốc tế.
Sân vận động Estadio Daniel Alcides Carrion của Peru được mệnh danh là sân vận động bóng đá cao nhất thế giới. Độ cao khủng khiếp của sân vận động thậm chí còn khiến nơi đây trở nên quá nguy hiểm để tổ chức hầu hết các trận đấu quốc tế.
Sân vận động này nằm ở thành phố Cerro de Pasco của Peru, với độ cao gần như không thể tưởng tượng nổi - 4.378m so với mực nước biển - khiến nó trở thành sân vận động cao nhất hành tinh. Để dễ hình dung, nó thậm chí còn cao hơn 1.200m so với cả Fansipan - "nóc nhà" của Việt Nam.
Giống như hầu hết các môn thể thao đồng đội, đặc biệt là bóng đá - môn thể thao cạnh tranh khốc liệt, cầu thủ cần hít thở nhiều oxy sau 90 phút chạy liên tục và các pha bứt tốc cực nhanh.
Sự kết hợp kinh dị này khiến cho các cầu thủ cảm thấy mệt mỏi ngay cả trước khi hiệp một kết thúc. Vì lý do này, sân vận động chỉ được sử dụng để tổ chức các trận đấu cúp Peru ở cấp độ quốc tế trong một vài lần hiếm hoi mỗi năm. Việc tổ chức các trận đấu cúp nhằm mục đích tạo điều kiện cho các cầu thủ đội khách thích nghi với độ cao trước khi bắt đầu trận đấu.
Ngoài ra, đây là sân nhà của CLB Union Minas thuộc giải hạng 3 Peru. Mỗi năm, Union Minas chỉ được thi đấu trên sân nhà có vài trận. Bất chấp những thách thức lớn dành cho các cầu thủ, sân vận động này lại nằm gọn sau khung cảnh tuyệt đẹp của dãy núi Andes ở Cerro de Pasco và có sức chứa 8.000 khán giả trong các trận đấu.
Suýt phải đóng cửa vì quá cao
Trở lại năm 2007, giới thể thao đã vô cùng phẫn nộ bởi lệnh cấm gây tranh cãi đối với các sân vận động nằm ở bất cứ nơi nào cao hơn 2.500m so với mực nước biển - bao gồm sân vận động Daniel Alcides Carrion.
Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) đã đưa ra quyết định này sau khi cho rằng các đội chủ nhà có "lợi thế không công bằng" và cho biết họ lo ngại về an toàn của cầu thủ sau một số khiếu nại.
Một số cầu thủ thậm chí còn phải sử dụng bình oxy để “sống sót” trong suốt trận đấu vì điều kiện quá khắc nghiệt.
Quyết định này khiến một số đội tuyển quốc gia rơi vào cảnh khó khăn khi Bolivia, Ecuador và Colombia đều bị cấm tổ chức vòng loại World Cup tại các thành phố Thủ đô của họ.
Biết tin về lệnh cấm, biểu tượng của đội tuyển Argentina Diego Maradona cùng một đội gồm các cựu cầu thủ Argentina đã đến thi đấu một trận bóng đá tại sân vận động Hernando Siles ở La Paz.
Lý do cho việc này là vì sân vận động đó nằm ở độ cao 3.600m so với mực nước biển và cho thấy nếu Maradona, khi đó đã 47 tuổi, có thể thi đấu hơn một giờ ở độ cao đó thì các cầu thủ trẻ chuyên nghiệp cũng có thể làm được.
Lệnh cấm các sân vận động ở vùng cao sau đó đã được dỡ bỏ vào tháng 5/2008 và kể từ đó FIFA đã cho phép các đội trở lại sân thi đấu mà họ ưa thích.
Mặc dù vậy, Lionel Messi đã từng nói về những thách thức khi chơi ở sân vận động La Paz rằng: "Thật tệ khi phải chơi ở đây. Thật khó khăn. Khi bạn nỗ lực hoặc chạy một chút, sẽ rất khó để phục hồi”.
Tháng 9/2023, các ngôi sao vô địch World Cup của Argentina đã phải sử dụng ống thở oxy để đối phó với độ cao trước trận đấu với Bolivia.
Theo The Sun