Chính phủ sụp đổ, bóng đen của cơn bão khủng hoảng kinh tế bao trùm nước Pháp
(Thị trường tài chính) - Pháp đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi bất ổn chính trị và chi phí sản xuất leo thang khiến niềm tin đầu tư sụt giảm mạnh.
Pháp có thể rơi vào khủng hoảng kinh tế sau khi Quốc hội nước này bất ngờ bỏ phiếu bất tín nhiệm, lật đổ chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier chỉ sau 3 tháng cầm quyền.
Quyết định này đã đẩy lợi suất trái phiếu tăng cao và làm dấy lên lo ngại từ giới đầu tư, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tuyên bố phá sản.
Hồi tháng 10, Thủ tướng Barnier từng công bố kế hoạch cắt giảm thâm hụt tài chính, đặt mục tiêu đưa tỷ lệ thâm hụt công từ 6% GDP xuống còn 3% vào năm 2029, nhằm ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, vào ngày 4/12, Quốc hội đã bác bỏ đề xuất này bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, làm lung lay kỳ vọng về một lộ trình cải tổ kinh tế bền vững.
Đây là lần đầu tiên trong hơn 60 năm, quốc hội Pháp thông qua một nghị quyết bất tín nhiệm. Động thái này được khởi xướng bởi phe cánh tả cứng rắn và nhận được sự ủng hộ quan trọng từ phe cực hữu do lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia, bà Marine Le Pen, dẫn đầu.
Nguyên nhân chính dẫn đến quyết định trên là sự phản đối của các nhà lập pháp đối với việc Thủ tướng Barnier sử dụng một điều khoản hiến pháp đặc biệt để ngăn cuộc bỏ phiếu về một phần ngân sách năm 2025 – bước đi nhằm đưa thâm hụt trở lại đúng lộ trình theo quy định tài chính của Liên minh châu Âu – với quyền lực hành pháp.
Thủ tướng Barnier, người không nắm giữ đa số ghế trong Quốc hội, lãnh đạo một Chính phủ liên minh giữa đảng Phục Hưng của Tổng thống Emmanuel Macron và đảng Cộng hòa bảo thủ.
Liên minh này được hình thành sau cuộc bầu cử quốc hội bất ngờ hồi tháng 7, khi đảng của ông Emmanuel Macron chỉ giành vị trí thứ hai trong cuộc bầu cử Quốc hội EU hồi tháng 6, thua xa đảng cực hữu National Rally.
Hiện tại, chiến lược duy nhất của ông Barnier nhằm thông qua ngân sách đã phản tác dụng, đẩy nước Pháp vào tình thế chính trị và kinh tế đầy bất ổn.
Chuyện gì xảy ra với kinh tế Pháp?
Cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất diễn ra trong bối cảnh một số chỉ số kinh tế của Pháp có vẻ tích cực. GDP quốc gia dự kiến tăng 1,1% trong năm nay, vượt xa Đức với mức giảm 0,2%. Tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức 7,4% – con số tương đối thấp đối với Pháp – trong khi lạm phát đã giảm đáng kể từ 5% xuống còn khoảng 2%.
Tuy nhiên, ông Denis Ferrand, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Rexecode tại Paris, cảnh báo rằng những số liệu bề mặt này không thể che lấp thực trạng nền kinh tế đang suy yếu trong vài năm gần đây.
"Do chi phí sản xuất của chúng tôi đã tăng 25% kể từ năm 2019, các công ty Pháp và châu Âu trở nên kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ Trung Quốc, nơi chi phí chỉ tăng 3% trong cùng kỳ," ông Ferrand nhận định trong một cuộc phỏng vấn với DW.
Theo Ferrand, những yếu tố như lạm phát kéo dài, lãi suất tăng cao, và giá năng lượng leo thang – đặc biệt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022 – đã khiến nhiều doanh nghiệp thận trọng hơn trong việc đầu tư.
"Các khảo sát của chúng tôi với 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Pháp vào tháng 10 cho thấy chỉ 36% có kế hoạch duy trì đầu tư, trong khi 45% dự định hoãn lại và 18% đã quyết định hủy bỏ hoàn toàn," ông cho biết. "Xu hướng này bắt đầu từ đầu năm nhưng trở nên nghiêm trọng hơn sau cuộc bầu cử quốc hội bất thường hồi tháng 7."
Một cuộc khảo sát khác của công ty tư vấn Ernest & Young (EY) vào giữa tháng 11 cho thấy gần một nửa trong số 200 lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế tại Pháp đã thu hẹp hoặc trì hoãn các dự án đầu tư. Điều này đánh dấu sự đảo chiều trong xu hướng tích cực khi Pháp từng dẫn đầu Châu Âu về sức hấp dẫn đầu tư trong các báo cáo của EY từ năm 2019.
Bên cạnh đó, số vụ phá sản tại Pháp dự kiến sẽ tăng cao trong năm nay, với khoảng 65.000 công ty chuẩn bị nộp đơn giải thể, so với 56.000 công ty trong năm ngoái.
Theo ông Philippe Druon, luật sư chuyên về phá sản tại công ty luật Hogan Lovells ở Paris, nguyên nhân không chỉ đơn thuần là do hiệu ứng bắt kịp sau đại dịch. "Rất khó để tìm người mua các công ty đang phá sản. Hiện tôi đang xử lý 60 trường hợp, và đây là con số đáng báo động", ông Druon nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Deutsche Welle.
Chuyên gia này chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp đang phải trả các khoản vay được Chính phủ hỗ trợ trong thời kỳ COVID-19. Bên cạnh đó, các thách thức cấu trúc như quá trình chuyển đổi sang ô tô điện và xu hướng làm việc từ xa đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh.
Ông Druon còn nhấn mạnh thêm: "Mức lãi suất cao trên thị trường vốn hiện nay khiến việc đầu tư vào các công ty trở nên kém hấp dẫn". Theo ông, quy mô và diễn biến các vụ phá sản hiện nay thậm chí còn có thể sánh với giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008.
Bà Anne-Sophie Alsif, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn BDO ở Paris, cảnh báo tình hình "có thể trở nên rất nghiêm trọng".
"Các chỉ số kinh tế vĩ mô của chúng tôi đang trên đà cải thiện, nhưng nếu chính phủ sụp đổ và Quốc hội không thông qua ngân sách năm 2025, chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng kinh tế thực sự", bà Alsif khẳng định trong cuộc phỏng vấn với Deutsche Welle.
Theo chuyên gia này, quyết định giải tán Quốc hội của Tổng thống Emmanuel Macron là "một sai lầm chiến lược". Hiện tại, việc điều hành đất nước phải dựa trên liên minh chính trị mong manh, điều này càng làm gia tăng nguy cơ bất ổn.
Bà Alsif nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn gửi tín hiệu tới các nhà đầu tư rằng Pháp không thể tiếp tục duy trì mức thâm hụt ngân sách như hiện nay". Nếu Chính phủ bị bãi nhiệm, ngân sách năm 2024 có khả năng sẽ được sao chép sang năm 2025, một kịch bản sẽ đẩy mức thâm hụt tăng lên trên 6%.
"Đây có thể sẽ là thảm họa", bà Alsif kết luận, báo hiệu một viễn cảnh kinh tế u ám của Pháp trong thời gian tới.
Giữa bối cảnh căng thẳng, vẫn có một số ý kiến lạc quan về triển vọng phục hồi của Pháp. Ông Christopher Dembik, chuyên gia đầu tư tại chi nhánh Paris của Pictet Asset Management, bác bỏ những lo ngại:
"Việc nói Pháp đang ở bên bờ vực khủng hoảng là quá cường điệu", ông Dembik nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Deutsche Welle. "Một quốc gia được coi là rơi vào khủng hoảng tài chính khi không thể tái cấp vốn cho khoản nợ, giống như trường hợp Hy Lạp năm 2009. Và hiện tại, thị trường Pháp không hề cho thấy điều đó".
Theo ông, các nhà quản lý quỹ đầu tư Mỹ đã tính toán kỹ lưỡng rủi ro chính trị của Pháp. Mức chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu chính phủ Pháp và Đức hiện ở mức 0,8 điểm phần trăm, vẫn nằm trong ngưỡng chấp nhận được. Pháp hiện đang phải trả lãi suất khoảng 3% cho các khoản trái phiếu này.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng phản bác rằng Pháp đã phải trả mức thuế cao hơn Hy Lạp. Trước cuộc bầu cử bất thường vào tháng 7, mức chênh lệch chỉ ở mức 0,5 điểm phần trăm.
Ông Ferrand, một quan chức cấp cao, thậm chí còn nói thẳng: "Paris từng tự tin dựa vào việc mình quá lớn để có thể sụp đổ đối với các nước châu Âu. Nhưng các nhà lãnh đạo Brussels đang dần mất kiên nhẫn trước sự bất lực của chúng tôi trong việc giảm nợ công".