Châu Âu tăng cường trừng phạt Nga trước khả năng ông Trump tái đắc cử
(Thị trường tài chính) - Các nhà ngoại giao châu Âu đang chuẩn bị củng cố các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong bối cảnh lo ngại việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lại nắm quyền có thể làm suy yếu nỗ lực của phương Tây trong việc cô lập Moscow.
Các cuộc trao đổi giữa các quan chức EU và các nhà ngoại giao tập trung vào nhiều sáng kiến nhằm đảm bảo các biện pháp trừng phạt của châu Âu sẽ được duy trì lâu dài hơn, củng cố chúng qua việc thực thi chặt chẽ hơn, ngay cả khi Washington thay đổi lập trường.
Một trong những biện pháp được cân nhắc là thực hiện cơ chế "bắt tất cả" để kiểm soát chặt chẽ các lô hàng nghi vấn vận chuyển đến Nga. Cơ chế này cho phép cơ quan hải quan tạm giữ các lô hàng có điểm đến không rõ ràng hoặc đi qua các tuyến đường bất thường, nhằm ngăn chặn việc chuyển giao hàng hóa vi phạm lệnh trừng phạt.
Ngoài ra, các quốc gia thành viên cũng đang thảo luận về việc thắt chặt hơn các hạn chế đối với vận chuyển dầu và mở rộng phạm vi áp dụng của các lệnh cấm xuất khẩu.
Châu Âu đang chuẩn bị cho khả năng chính sách của Washington thay đổi nếu ông Trump tái đắc cử. Bất kỳ sự nới lỏng trừng phạt nào từ Mỹ sẽ tạo áp lực lên châu Âu, do vai trò then chốt của Washington trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt toàn cầu.
Liên minh châu Âu hiện đang tìm cách tự tăng cường khả năng thực thi và củng cố các biện pháp kiểm soát đối với Nga. Theo chuyên gia Tom Keatinge từ Viện Royal United Services Institute, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã chuẩn bị các phương án trừng phạt độc lập, đề phòng việc ông Trump tái đắc cử.
Các nước châu Âu từng bất ngờ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran dưới thời Trump, đơn phương tái áp đặt lệnh trừng phạt và đặt châu Âu vào thế khó. Hiện các quan chức châu Âu lo ngại một tình huống tương tự có thể xảy ra với Nga, phá vỡ nỗ lực của phương Tây trong việc cô lập Moscow.
Ông Trump đã ám chỉ có thể cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine nếu tái đắc cử và không bày tỏ rõ ràng mong muốn Ukraine chiến thắng. Ông còn quy trách nhiệm một phần cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về cuộc xung đột. Mặc dù thường xuyên đề cập đến việc chính quyền của ông áp đặt trừng phạt lên đường ống Nord Stream II (2017-2021), Trump vẫn chưa làm rõ quan điểm về các biện pháp trừng phạt trong tương lai và bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận hòa bình nhanh chóng với Moscow.
Bước đi xa hơn
Các nhà ngoại giao châu Âu sẽ chờ đến cuối năm trước khi thảo luận các hạn chế mới trước khi Ba Lan tiếp quản nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của EU. Hungary hiện đang giữ vai trò này và tỏ ra do dự trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt. Gần đây, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã gây tranh cãi khi tới Moscow gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du mà Budapest gọi là "sứ mệnh hòa bình".
Một trong những đề xuất cải tổ quan trọng là kéo dài thời hạn đóng băng tài sản của NHTW Nga từ 6 tháng lên 36 tháng, nhằm duy trì hiệu lực lâu dài của biện pháp này. Hiện nhóm G7 đang nắm giữ khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga, phần lớn được lưu giữ tại châu Âu.
Nhiều quốc gia cũng đang bàn thảo việc tăng cường kiểm soát việc "gắn nhãn sai" hàng hóa xuất khẩu sang Nga. Các nước Baltic giáp Nga đã nhiều lần phản ánh về tình trạng các nhà xuất khẩu lợi dụng mã hải quan EU để gian lận.
Sau nhiều tháng trì hoãn kể từ khi Hungary nắm quyền chủ tịch vào ngày 1/7, các thành viên EU hiện đã bắt đầu thảo luận sơ bộ về gói trừng phạt thứ 15. Dự kiến có thêm 45 tàu sẽ bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU, như một phần trong nỗ lực của các đồng minh phương Tây nhằm củng cố mức giá trần đối với dầu Nga. Các quan chức phương Tây cho rằng việc nhắm vào các tàu chở dầu cụ thể là biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế doanh thu dầu mỏ của Nga.
Phương Tây đang tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với hoạt động vận chuyển dầu của Nga. EU dự kiến mở rộng điều khoản "Không có Nga" trong gói trừng phạt mới, buộc các công ty con của EU ở nước thứ ba phải cấm tái xuất sang Nga các mặt hàng có thể sử dụng cho mục đích quân sự, đạn dược và vũ khí.
Đồng thời, EU và một số quốc gia thành viên đang xem xét siết chặt nhập khẩu năng lượng từ Nga, đặc biệt là khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Bỉ, Pháp cùng một số nước đã đề nghị Ủy ban châu Âu đưa ra giải pháp giám sát chặt chẽ hơn đối với nguồn LNG nhập từ Nga.
Theo Reuter