Biệt phủ 60.000m2 của đại gia ‘khét tiếng’ chứa nhiều gỗ quý, một cây cột cũng hơn 8.000 tỷ đồng
(Thị trường tài chính) - Hiện tại, Cung Vương phủ đã trở thành danh lam thắng cảnh cấp 5A, đồng thời là di tích văn hóa trọng điểm cấp quốc gia của Trung Quốc.
Biệt phủ 60.000m2 xây dựng trên “đất vàng”
Trung Quốc có một “biệt phủ” vô cùng nổi tiếng, đó là phủ Hòa Thân (Hòa Thân là viên quan quyền lực, giàu có của triều nhà Thanh). Sau khi Hòa Thân qua đời, hoàng đế Gia Khánh đã ban vương phủ này cho Khánh Quận Vương Vĩnh Lân và đổi tên thành Cung Vương phủ.
Cụ thể, Cung Vương phủ được xây dựng vào thời vua Càn Long, cách đây hơn 240 năm. Nhờ sự ưu ái của vua Càn Long, Hòa Thân đã tích lũy một khối tài sản khổng lồ, và biệt phủ này chính là biểu tượng cho sự giàu có của ông.
Được biết, Cung Vương phủ rộng khoảng 60.000m2 và mất 5 năm xây dựng, đồng thời khiến hơn 200 hộ dân khi đó phải di dời. Nó được bao quanh bởi Thậm Sát Hải, Hậu Hải và Bắc Hải - được đánh giá là “đất vàng” của Tử Cấm Thành.
Hòa Thân cũng đã thiết kế các dòng nước bao quanh biệt phủ, khắp mọi nơi đều thấy nước - ngụ ý thể hiện quan niệm tích thủy tụ tài.
Cung Vương phủ được chia thành 2 phần: Phủ đệ và hoa viên. Điện chính là Ngân An Điện - nơi Hòa Thân làm việc và tiếp khách. Ngoài ra, Hòa Thân cũng xây dựng một tòa lầu lớn sơn son trên núi nhân tạo để ngắm trăng, ngâm thơ…; đồng thời tạo một hồ nước trong dinh thự và nước trong hồ được dẫn trực tiếp từ hồ Ngọc Tuyền.
Biệt phủ với giá trị không tưởng
Trong Cung Vương Phủ, có 2 khu vực thể hiện rõ nhất sự giàu có của Hòa Thân. Đầu tiên là Hậu Trảo Lâu, dãy nhà chứa kho báu của viên quan nhà Thanh.
Toàn bộ tòa nhà dài hơn 160m, tương truyền có hơn 100 phòng. Mỗi phòng đều có các tầng lửng, cùng 44 cửa sổ bằng gấm có họa tiết khác nhau, giúp Hòa Thân xác định kho báu được cất giấu trong từng phòng.
Ví dụ cửa sổ hình thoi sẽ là nơi chứa 10 viên ngọc trai còn cửa sổ hình 2 con cá, cái khánh và con dơi là nơi chứa các thỏi vàng.
Khu thứ hai là Tích Tấn Trai, nơi ở của Hòa Thân cùng các người vợ. Điều đặc biệt là nơi này có những cột nhà làm bằng gỗ Kim Tơ Nam Mộc - vô cùng quý giá. Nhiều ước tính cho rằng mỗi cây có giá tới 2,4 - 2,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương 8.400 - 9.100 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại. Loại gỗ này quý bởi đặc tính ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Thêm nữa, sàn nhà cũng được làm từ loại đá tự nhiên quý hiếm.
Được biết, căn biệt phủ cũng cất giữ bức thư pháp "Ngũ phúc hợp nhất" nổi tiếng của vua Khang Hy. Theo sử sách chép lại, khi kiểm tra nhà Hòa Thân, người ta phát hiện ra rằng tổng tài sản của vị quan lúc bấy giờ tương đương với ngân khố của nhà Thanh tích góp trong 15 năm.
Hiện tại, Cung vương phủ đã trở thành danh lam thắng cảnh cấp 5A, đồng thời là di tích văn hóa trọng điểm cấp quốc gia của Trung Quốc.
Tham khảo Sohu, Baidu