Apple ‘tất tay’ rót cả tỷ đô để iPhone 16 có mặt tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á
(Thị trường tài chính) - Động thái này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Indonesia yêu cầu các tập đoàn nước ngoài tăng cường đóng góp vào nền kinh tế địa phương thông qua sản xuất nội địa và tạo việc làm.
Indonesia mới đây cho biết họ đã nhận được đề xuất đầu tư cải thiện trị giá 1 tỷ USD từ Apple. Đây là nỗ lực mới nhất của gã khổng lồ công nghệ Mỹ nhằm gỡ bỏ lệnh cấm bán dòng iPhone 16 tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Bộ trưởng Đầu tư Rosan Roeslani chia sẻ, Chính phủ Indonesia và Apple đã thống nhất số tiền này sẽ là khoản đầu tư "giai đoạn đầu", đồng thời tiết lộ trước Quốc hội vào ngày 3/12 rằng ông kỳ vọng nhận được cam kết bằng văn bản từ Apple trong vòng một tuần.
“Chúng tôi muốn sự công bằng”, ông Roeslani bình luận. “Các bạn thu lợi ở đây, thì các bạn cũng nên đầu tư và tạo việc làm tại đây”.
Nếu được xác nhận, mức đầu tư này sẽ gấp 10 lần so với đề xuất trước đó của Apple là 100 triệu USD. Ban đầu, hãng sản xuất iPhone này chỉ đề xuất khoản đầu tư khiêm tốn cho một nhà máy sản xuất phụ kiện và linh kiện tại Bandung, một thành phố gần thủ đô Jakarta.
Indonesia đã cấm bán dòng iPhone 16 với lý do Apple không đáp ứng được yêu cầu nội địa hóa nội dung cho các thiết bị smartphone và máy tính bảng. Trước đó, vào năm 2023, Apple cam kết đầu tư 1,7 nghìn tỷ rupiah (107 triệu USD) cho các học viện phát triển tại Indonesia nhưng vẫn thiếu khoảng 10 triệu USD so với cam kết.
Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita, người đã ban hành lệnh cấm iPhone 16, nói rằng ưu tiên hàng đầu của ông là thuyết phục Apple xây dựng một nhà máy địa phương, tương tự như các nhà sản xuất điện thoại khác như Samsung và Xiaomi.
Nếu Apple sản xuất thiết bị tại Indonesia, ông cho rằng điều này có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thu hút đầu tư vào các ngành liên quan và tạo thêm nhiều việc làm.
“Quan trọng nhất là chuỗi giá trị toàn cầu sẽ chuyển dịch về phía chúng ta”, ông Roeslani nhận định.
Động thái thúc đẩy đầu tư được tăng cường khi Tổng thống mới nhậm chức, ông Prabowo Subianto, đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong nhiệm kỳ 5 năm. GDP của Indonesia chỉ tăng 4,95% trong quý vừa qua, mức thấp nhất trong một năm, giữa bối cảnh hoạt động sản xuất và tiêu dùng suy yếu.
Với dân số trẻ ngày càng am hiểu công nghệ, Indonesia được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho Apple. Nền kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD này hiện có hơn 350 triệu thiết bị di động đang hoạt động, vượt xa dân số 270 triệu người, theo số liệu Chính phủ.