Mỹ tuyên bố 'bị bất ngờ' trước lệnh thiết quân luật, nhiều nước cảnh báo nguy hiểm cho công dân đang ở Hàn Quốc
(Thị trường tài chính) - Nhiều quốc gia hạn chế công dân di chuyển tới Hàn Quốc vào thời điểm bất ổn.
Trong một diễn biến đầy bất ngờ, Nhà Trắng cho biết họ không được thông báo trước về lệnh thiết quân luật do Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ban hành vào ngày 3/12. Quyết định này sau đó đã bị đảo ngược chỉ vài giờ sau khi vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ Quốc hội và người dân Hàn Quốc.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: “Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi Tổng thống Yoon đã thay đổi quyết định ban bố lệnh thiết quân luật và tôn trọng cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Hàn Quốc nhằm chấm dứt sắc lệnh này.”
Phát biểu này được đưa ra sau khi hàng nghìn người biểu tình xuống đường để ủng hộ các nhà lập pháp ở Quốc hội và yêu cầu Tổng thống Yoon từ chức.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: “Chúng tôi kỳ vọng các bất đồng chính trị sẽ được giải quyết một cách hòa bình và tuân thủ pháp luật.” Ông cũng hoan nghênh quyết định nhanh chóng của Tổng thống Yoon trong việc hủy bỏ thiết quân luật. Đồng thời, Đại sứ quán Mỹ tại Seoul cảnh báo công dân Mỹ tránh xa các khu vực biểu tình.
Canada, Mỹ và Vương quốc Anh khuyến nghị người dân cảnh giác. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo: “Tình hình vẫn còn bất ổn và công dân Hoa Kỳ nên lường trước những gián đoạn tiềm ẩn".Thông báo cũng xác nhận việc hủy bỏ các cuộc hẹn lãnh sự thông thường vào ngày 4/12, bao gồm cả dịch vụ cấp thị thực.
Giáo sư Hyung-Gu Lynn, Chủ tịch AECL/KEPCO về Nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học British Columbia, Canada, dự đoán các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục ngay cả sau khi thiết quân luật được dỡ bỏ. Ông chỉ ra rằng phố Sejong-daero, con đường nhộn nhịp tại trung tâm Seoul, là tâm điểm của các cuộc biểu tình và có thể ảnh hưởng lớn đến du khách do gần các điểm tham quan nổi tiếng.
“Khách du lịch nên đặc biệt cẩn trọng khi di chuyển qua các khu vực trung tâm thành phố, nơi thường xuyên xảy ra tụ tập đông người,” giáo sư Lynn nhấn mạnh.
Ít nhất ba quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, gồm Bulgaria, Latvia và Ireland, đã đưa ra khuyến cáo tương tự. Latvia nhấn mạnh: “Những người không tuân thủ các hạn chế có thể bị giam giữ, khám xét và bắt giữ.” Công dân được khuyến cáo tránh xa những khu vực đang diễn ra biểu tình hoặc tụ tập đông người.
Lệnh thiết quân luật, vốn không xuất hiện tại Hàn Quốc suốt 44 năm qua, đã gợi lại những ký ức đau thương về cuộc biểu tình Gwangju năm 1980, khiến hàng trăm người thiệt mạng và thương vong. Mạng xã hội Hàn Quốc và dư luận thế giới ngay lập tức tràn ngập các bình luận lo lắng và chỉ trích quyết định của ông Yoon.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết cuộc họp cấp cao giữa Mỹ và Hàn Quốc về các vấn đề răn đe hạt nhân đã bị hoãn lại. Một loạt các chính phủ nước ngoài cũng tạm dừng các chuyến thăm và hoạt động ngoại giao tại Seoul, chờ xem diễn biến chính trị tiếp theo tại Hàn Quốc.
Đảng đối lập Dân chủ Hàn Quốc, do ông Lee Jae-myung lãnh đạo - người đã livestream trèo tường vào Tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc bị quân đội bao vây đêm 3/12, đã chỉ trích lệnh thiết quân luật là vi hiến. Sáng ngày 4/12, đảng đối lập nắm giữ đa số trong Quốc hội tuyên bố sẽ bắt đầu thủ tục luận tội nếu ông Yoon không tự nguyện rời ghế.
Hàn Quốc, đồng minh chiến lược của Mỹ với 28.500 binh sĩ đồn trú, là đối tác chiến lược quan trọng trên phương diện quân sự và ngoại giao. Tổng thống Yoon, người từng được Tổng thống Joe Biden tiếp đón nồng nhiệt trong chuyến thăm cấp nhà nước, đang đối mặt với áp lực lớn từ trong nước và quốc tế.
Theo SCMP, Global News