Ấn Độ siết chặt quản lý vốn FDI, Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nặng nhất
(Thị trường tài chính) - Tuyên bố này đưa ra chỉ vài ngày sau khi Ấn Độ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về tuần tra dọc biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ cho biết, nước này sẽ duy trì các hạn chế đầu tư đối với các quốc gia láng giềng.
Thỏa thuận này mở đường cho việc chấm dứt bế tắc quân sự kéo dài 4 năm và cải thiện quan hệ chính trị, kinh doanh giữa hai cường quốc châu Á, vốn đã bị căng thẳng từ sau vụ đụng độ biên giới vào năm 2020. Sự kiện đó đã làm chậm lại các hoạt động trao đổi về vốn, công nghệ và nhân lực.
"Chúng tôi không thể mù quáng tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà không xem xét nguồn gốc của nó", bà Nirmala Sitharaman phát biểu tại một cuộc họp tại trường kinh doanh Wharton ở Hoa Kỳ ngày 22/10.
Những bình luận này, làm giảm kỳ vọng về việc nới lỏng nhanh chóng các hạn chế thương mại, được đưa ra trước thềm cuộc gặp dự kiến giữa Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nga.
"Chúng tôi muốn kinh doanh, muốn đầu tư, nhưng chúng tôi cũng cần một số biện pháp bảo vệ, vì Ấn Độ nằm ở một khu vực có tính nhạy cảm rất cao", bà Sitharaman nói thêm.
Bà cho biết, mối quan ngại của các cơ quan chức năng có thể đến từ nguồn gốc của một số khoản đầu tư, hơn là từ danh tính của các nhà đầu tư. "Vì vậy, những hạn chế này sẽ tiếp tục được áp dụng vì lợi ích quốc gia."
Cuộc tranh chấp giữa hai cường quốc dân số hàng đầu thế giới đã làm nguội lạnh quan hệ song phương, bất chấp nhu cầu cấp thiết về hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như xe điện, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Từ năm 2020, Ấn Độ đã siết chặt quy trình thẩm định an ninh đối với các khoản đầu tư từ các công ty có trụ sở tại các quốc gia láng giềng, nhưng không nêu đích danh quốc gia nào.
Điều này được xem như một động thái nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của các doanh nghiệp Trung Quốc, thể hiện qua việc nhiều thương vụ tỷ đô từ các tập đoàn như BYD và Great Wall Motor bị đình trệ. Các doanh nghiệp Ấn Độ có vốn đầu tư từ Trung Quốc cũng phải đối mặt với những rào cản hành chính ngày càng gia tăng.
Mặc dù Ấn Độ có quan hệ thương mại với các nước láng giềng như Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Myanmar, Nepal và Pakistan, nhưng quy mô và tầm ảnh hưởng của thương mại với Trung Quốc vẫn vượt trội. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, cung cấp phần lớn các sản phẩm công nghiệp.
Kể từ cuộc xung đột năm 2020, kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ từ Trung Quốc đã tăng đáng kể, lên tới 56%. Điều này đã khiến thâm hụt thương mại giữa hai nước đạt mức kỷ lục, lên tới gần 85 tỷ USD.
Theo Reuters