Từ vụ vay 8 triệu thành 8,8 tỷ sau 11 năm chậm trả tại Eximbank, “soi” cách tính lãi thẻ tín dụng của ngân hàng
(Thị trường tài chính) - Từ vụ khách hàng vay thẻ tín dụng 8,5 triệu, sau 11 năm mang nợ gấp hơn 1.000 lần, không ít người đã giật mình và đặt câu hỏi về việc tính lãi suất của các ngân hàng hiện nay.
Lãi suất thẻ tín dụng được tính như thế nào?
Thông tin từ website một số ngân hàng như BIDV, VPBank, TPBank..., tùy vào chính sách của từng ngân hàng, khoảng thời gian miễn lãi suất sẽ kéo dài khoảng 45 ngày, bao gồm thời gian miễn lãi giữa hai chu kỳ thanh toán và thời gian được ân hạn.
Đây là khoảng thời gian ngân hàng gia hạn thêm nhằm tạo điều kiện cho khách hàng thanh toán hết số tiền đã ứng của ngân hàng để chi tiêu. Trong khoảng thời gian này, khách hàng trả đủ nợ ngân hàng sẽ không bị tính lãi, nếu không, lãi vay sẽ bắt đầu phát sinh. Đáng chú ý, ngân hàng sẽ tính lãi suất thẻ tín dụng trên số tiền đã sử dụng chứ không phải số còn thiếu hay tổng hạn mức được cấp và lãi suất chỉ tính khi trả thiếu.
Hiểu đúng về lãi suất thẻ tín dụng để tránh mất tiền oan
Ngân hàng tính lãi suất thẻ tín dụng dựa trên nhiều yếu tố. Trong trường hợp người dùng rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng tại ATM hoặc máy POS thì thường bị tính phí cao, từ 3% đến 4% trong mỗi giao dịch, và lãi suất cũng cao hơn so với thanh toán. Khi chủ thẻ thực hiện các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua thẻ tín dụng, nếu tới thời hạn thanh toán, chủ thẻ trả nợ ít nhất bằng khoản thanh toán tối thiểu, ngân hàng sẽ tính lãi đối với tất cả các giao dịch trong kỳ sao kê cho đến ngày trả nợ. Phần dư nợ còn lại (gốc, lãi, phí, phạt) chưa thanh toán sẽ tiếp tục bị tính lãi và được thể hiện trên sao kê của kỳ sao kê tiếp theo.
Trong trường hợp chủ thẻ không thanh toán khoản dư nợ tối thiểu (thường là từ 5-10% tổng số tiền chi tiêu) thì sẽ bị mất thêm khoản phí phạt trả chậm và lãi suất quá hạn. Trong vòng 60 ngày đầu kể từ ngày đến hạn thanh toán, khoản thanh toán tối thiểu sẽ bị tính phạt chậm trả và lãi suất quá hạn (hiện tại đang quy định bằng lãi suất trong hạn), số dư nợ còn lại vẫn tính lãi suất trong hạn. Nếu sau 60 ngày, chủ thẻ không thanh toán đủ khoản thanh toán tối thiểu thì toàn bộ dư nợ chưa thanh toán phải chịu lãi suất quá hạn và khoản phạt chậm trả.
Trước đó, dư luận xôn xao vụ việc một khách hàng tại Quảng Ninh sử dụng thẻ tín dụng của Eximbank với dư nợ ban đầu hơn 8,5 triệu đồng, sau gần 11 năm “quên” trả, dư nợ hiện tại lên hơn 8,8 tỉ đồng. Nếu dựa vào cách tính lãi suất và mức lãi suất quy định thì không quá khó hiểu với số tiền “lãi mẹ đẻ lãi con” của khách hàng này.
Bí kíp sử dụng thẻ tín dụng thông minh, hiệu quả
Hiện nay, người dùng có thể sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán hầu hết các mặt hàng, dịch vụ như hóa đơn điện nước, internet, tiền nhà, mua điện thoại, máy tính, ô tô hoặc các chi tiêu mua sắm đơn giản thường ngày... Với tính năng “chi tiêu trước trả tiền sau”, thẻ tín dụng còn được xem như một khoản ngân sách dự phòng trong những trường hợp khẩn cấp.
Để tránh “vướng” phải các khoản lãi cao và tận dụng được hết các lợi ích của thẻ tín dụng, Agribank khuyến cáo người dùng nên tận dụng thời hạn miễn lãi một cách thông minh. Thông thường, thời gian miễn lãi của các thương hiệu Visa, MasterCard, JCB là khoảng 45 ngày. Đối với thẻ tín dụng nội địa Lộc Việt, thời gian miễn lãi lên đến 55 ngày. Tận dụng được khoảng thời gian này sẽ giúp người dùng được “mượn tiền” chi tiêu, phục vụ nhu cầu cuộc sống mà không phải trả phí. Tuy nhiên, người dùng cần chú ý hoàn trả đủ số dư nợ trước hạn để tránh phát sinh lãi vay và không phải trả phí thanh toán chậm. Ngoài ra, người dùng còn được tích điểm chi tiêu và hưởng thời gian miễn lãi ở kỳ tiếp theo. Đặc biệt, sẽ không bị cho vào danh sách nợ xấu, không ảnh hưởng xấu tới việc vay vốn và mở thẻ tín dụng sau này.
Ngân hàng này cũng cho biết, một trong những sai lầm mà nhiều người mắc phải chính là rút tiền mặt từ loại thẻ này như những loại thẻ khác. Bản chất của thẻ tín dụng là vay tiền ngân hàng để chi tiêu cá nhân mà không cần sử dụng tiền mặt. Khi rút tiền mặt, ngân hàng sẽ tính mức phí này khá cao, thường rơi vào khoảng 4% tại thời điểm rút.
Hiện nay, để thu hút khách hàng, các ngân hàng thường xuyên có những chương trình khuyến mại như: phát hành thẻ tín dụng miễn phí, hoàn tiền, giảm giá khi chi tiêu,... Việc cập nhật và tận dụng tốt các ưu đãi này giúp người dùng có thể chi tiêu mà vẫn tối ưu tài chính.
Bên cạnh đó, Agribank cũng khuyến cáo, một cá nhân với mức thu nhập trung bình, trung bình khá chỉ nên mở 1 thẻ tín dụng để đảm bảo khả năng thanh toán nợ, cân đối tài chính. Việc sử dụng càng nhiều thẻ tín dụng càng dễ khiến người dùng mất kiểm soát, dẫn đến việc chi tiêu cao hơn thu nhập. Từ đó, gây khó khăn trong việc thanh toán nợ hàng tháng.