Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tác động như thế nào tới ngân hàng và doanh nghiệp?
(Thị trường tài chính) - Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã đưa ra các giải pháp, van khóa để đảm bảo những điểm hạn chế, tồn tại trong thời gian qua được giải quyết.
Sáng ngày 18/1/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi) góp phần lấp đầy những lỗ hổng trong quản trị hệ thống ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý để hoạt động tín dụng, tiền tệ an toàn, minh bạch và hiệu quả hơn. Những quy định mới trong luật nhằm hạn chế tình trạng thao túng, tiêu cực, “sân sau’’, kiểm soát rủi ro, từ đó bảo vệ, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các chủ thể khác liên quan đến lĩnh vực này.
7 ngân hàng niêm yết có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% vốn điều lệ
Theo Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS), Luật Các TCTD (sửa đổi) có ý nghĩa lớn trong việc quản lý và điều hành hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với các quy định quốc tế.
“Trong ngắn hạn, những vấn đề liên quan đến sở hữu chéo, chi phối TCTD; hoạt động kinh doanh đại lý bảo hiểm; can thiệp sớm các TCTD yếu kém và xử lý tài sản bảo đảm sẽ có tác động nhiều nhất đến hoạt động của các ngân hàng niêm yết”, MBS Research nhận định.
Theo thống kê của MBS Research, hiện tại có 7 ngân hàng niêm yết có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% vốn điều lệ (đã loại trừ các TCTD có cổ đông chiến lược là NĐT nước ngoài). Luật Các TCTD sẽ hạn chế tình trạng sở hữu chéo và giúp nhận biết các rủi ro lớn từ các doanh nghiệp sân sau như trường hợp của SCB và Vạn Thịnh Phát.
Tại buổi họp báo ngày 18/1 về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ năm của Quốc hội, bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Luật đã đưa ra các giải pháp, van khóa để đảm bảo những điểm tồn tại hạn chế, tồn tại trong thời gian qua sẽ được giải quyết bằng những quy định cụ thể trong luật”.
Theo đánh giá của Chứng khoán An Bình (ABS), các quy định này giúp tăng tính đại chúng của tổ chức tín dụng, tăng minh bạch thông tin và giám sát của đại chúng. Đồng thời, tách bạch giữa hoạt động quản trị với hoạt động điều hành, đáp ứng rất tốt nguyên tắc quản trị minh bạch trong tổ chức kinh doanh mà các định chế tài chính quốc tế khuyến cáo.
Các chuyên gia nhận định Luật Các TCTD (sửa đổi) có ý nghĩa lớn trong việc quản lý và điều hành hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với các quy định quốc tế.
Nhóm ngân hàng có tỷ trọng thu nhập bancassurance trong tổng thu nhập ngoài lãi cao như VIB, ACB ít nhiều bị ảnh hưởng
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh đại lý bảo hiểm (bancassurance) sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ bancassurance của các ngân hàng chậm lại so với giai đoạn 2019-2021. Điều này sẽ thiết lập một rào cản nhất định với tổ chức tín dụng cũng như tăng cường trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc cân nhắc ngân hàng nào được phép thành lập Tập đoàn tài chính, được kinh doanh đa ngành, được đầu tư.
MBS Research cho rằng, nhóm các ngân hàng thương mại có tỷ trọng thu nhập bancassurance trong tổng thu nhập ngoài lãi cao như VIB, ACB… sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ được can thiệp sớm, được hỗ trợ bởi một số biện pháp như thay đổi cách tính số dự phòng rủi ro bằng tối đa số chênh lệch thu chi trong năm của tổ chức tín dụng. Đồng thời phải thuyết minh chi tiết số dự phòng thực tế và chênh lệch với số tối đa này trong báo cáo tài chính.
Điều này không ảnh hưởng nhiều đến các ngân hàng niêm yết trên sàn hiện tại, tuy nhiên, sẽ giúp các cơ quan quản lý và công chúng sớm nhận ra các rủi ro lớn thông qua báo cáo tài chính được công bố của các TCTD.
Chứng khoán VNDirect đánh giá, động thái này sẽ hỗ trợ ổn định tâm lý thị trường và người gửi tiền trước những lo ngại về rủi ro thanh khoản hệ thống trong tương lai.
Đối với việc xử lý tài sản đảm bảo, Luật các TCTD (sửa đổi) cho phép các tổ chức tín dụng được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ.
Việc thay đổi này theo MBS Reseach sẽ giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý. Từ đó, giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao như TCB, MBB, VPB, SHB, HDB…
Công ty CK VNDirect thì nêu quan điểm: “Chúng tôi cho rằng nếu có những quy định rõ ràng hơn của các cơ quan chức năng về quyền “thu giữ tài sản đảm bảo” thì các TCTD sẽ có thể xử lý nợ xấu hiệu quả hơn”.
Về giới hạn tín dụng, Luật TCTD (sửa đổi) quy định các ngân hàng có thể cho vay tối đa 10% tổng vốn chủ sở hữu ngân hàng đối với một khách hàng (giảm từ mức 15% trước đây) và 15% tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng đối với một nhóm khách hàng và người có liên quan (giảm từ mức 25% trước đây). Việc cho vay vượt quá mức này phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc giảm tỷ lệ cho vay đối với một khách hàng và người có liên quan nhằm giúp đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm thiểu rủi ro đạo đức từ phía khách hàng và rủi ro quá hạn cho tổ chức tín dụng.
Chuyên gia Maybank IBG Research lo ngại, quy định này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch cho vay của một số ngân hàng cũng như tạo thách thức cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn lớn.
Nhìn chung, các chuyên gia, nhà phân tích đều có quan điểm rằng Luật TCTD (sửa đổi) sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn của ngành ngân hàng.