Đại biểu Quốc hội tiếp tục lên tiếng lo ngại về việc ngân hàng bán bảo hiểm

Hà My

(Thị trường tài chính) - Phát biểu tại phiên họp về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều đại biểu quốc hội tiếp tục bày tỏ băn khoăn về việc cho phép các ngân hàng làm đại lý bảo hiểm.

Ngày 15/1, thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) còn băn khoăn trước quy định ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ (BHNT).

Cụ thể, Đại biểu (ĐB) Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá cao quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đồng thời bày tỏ nhất trí cao với nhiều nội dung dự thảo Luật. Đại biểu cho biết tại hai kỳ họp trước đã phát biểu về việc ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ, cơ quan soạn thảo tiếp thu một phần những vẫn còn băn khoăn.

Đại biểu nhắc lại các vấn đề đã nêu như mức chiết khấu tối đa cho đại lý là 40% cho phí bảo hiểm năm đầu; các ngân hàng liên kết làm đại lý bảo hiểm có hiện tượng gợi ý, ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2-4% giá trị khoản vay. Các nhân viên ngân hàng cũng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.

Tiếp theo đó, ông Thịnh cung cấp thêm các thông tin mới. Theo ông, từ kết luận thanh tra của Bộ Tài chính với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho thấy, tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Trong khi, hủy năm đầu, khách hàng mất số phí đã nộp.

Ông Thịnh cho hay: “Chỉ tính riêng 1 công ty bảo hiểm nhân thọ bán qua 1 ngân hàng thương mại đã có số phí bảo hiểm khách hàng hủy sau năm đầu tiên khoảng 2.000 tỷ đồng”.

Chưa kể, nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4-8% giá trị khoản vay. Như vậy, lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên 50 - 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng.

Đáng chú ý, số tiền công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng thương mại chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập sau thuế của ngân hàng. Cụ thể, Vietcombank có lợi nhuận trước thuế 23.050 tỷ đồng thì phí trả trước cho hợp đồng hợp tác độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ là 9.200 tỷ đồng; của ACB là 9.596 tỷ đồng thì phí trả trước ngân hàng được hưởng là 8.400 tỷ đồng...

Số tiền trên còn chưa tính “hoa hồng” đại lý trên số phí bảo hiểm được hưởng theo quy định của kinh doanh bảo hiểm.

Từ những dẫn chứng nêu trên, ĐB Phạm Văn Thịnh kết luận, nếu dự thảo luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung quy định “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc NHNN”, thì sẽ không có gì đảm bảo được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm BHNT như thời gian gian qua. Việc bán chéo BHNT qua ngân hàng thương mại dễ dàng đã kéo các ngân hàng thương mại, các công ty BHNT bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, xóa bỏ uy tín được tích lũy để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận.

Do đó, ĐB Phạm Văn Thịnh đề nghị nếu việc cấm bán chéo BHNT qua ngân hàng thương mại không được thực hiện thì dự thảo luật cần bổ sung 1 điều giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Điều này sẽ tốt cho cả hình ảnh của ngân hàng thương mại và đặc biệt là nghề kinh doanh BHNT, nghề mà đòi hỏi đạo đức và tính nhân văn hơn rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác.

Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng không nên cho phép ngân hàng thương mại liên doanh, liên kết bán bảo hiểm đối với công ty bảo hiểm. Đại biểu cho biết thực tế đã có nhiều hệ lụy xảy ra và tồn tại dai dẳng đến nay chưa giải quyết. Đại biểu đặt vấn đề khi ngân hàng liên kết với công ty bảo hiểm thì ngân hàng được chi hoa hồng rất cao, mà phần hoa hồng cao như vậy thực tế do công ty bảo hiểm thu tiền của khách hàng. Mặt khác, đối với ngân hàng khi đã liên kết với công ty bảo hiểm thường sẽ buộc nhân viên ngân hàng vận động khách hàng vay tiền hay gửi tiền mua bảo hiểm, khi không đạt chỉ tiêu thì chính nhân viên ngân hàng cũng bị làm khó. Từ thực tiễn trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị các cơ quan cân nhắc quy định này trong Luật.

Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh quy định về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại Điều 10 dự thảo Luật. Theo đại biểu, mặc dù đã có các quy định liên quan trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản pháp luật liên quan khác. Tuy nhiên, để bảo vệ tốt quyền lợi của khách hàng, cần nghiên cứu luật hóa để có chế tài ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng, ngân hàng như việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn của ngân hàng như các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trong thời gian vừa qua.

 

Ý kiến bạn đọc