WHO: Tuổi thọ trung bình toàn cầu sụt giảm mạnh, trở về mốc 12 năm trước, không chỉ do COVID-19 mà còn bởi nhóm bệnh này
(Thị trường tài chính) - Mới đây, công bố của WHO về tuổi thọ trung bình toàn cầu khiến không ít người bất ngờ.
Ngày 24/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức đưa ra thông cáo báo chí về tuổi thọ của con người giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021.
Cụ thể, theo WHO, tuổi thọ trung bình toàn cầu hiện giảm đi 1,8 năm, tuổi thọ khỏe mạnh giảm 1,5 năm. Trong đó, tuổi thọ là số năm 1 người sống trên thế giới này, còn tuổi thọ khỏe mạnh là thời gian 1 người có thể sống độc lập, khỏe mạnh, không bị ảnh hưởng bởi suy giảm chức năng hay các căn bệnh khác nhau.
Cũng theo WHO, sự sụt giảm về tuổi thọ này đã đưa tuổi thọ toàn cầu về mốc 71,4 năm, tuổi thọ khỏe mạnh giảm xuống còn 61,9 năm. Kết quả này cho thấy chúng ta đã đánh mất nỗ lực tiến bộ về tuổi thọ trong suốt 1 thập kỷ, quay trở về mức tuổi thọ tương tự năm 2012.
WHO mới công bố về tuổi thọ toàn cầu có xu hướng giảm. Ảnh minh họa: Internet
Đại dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân lớn gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng về tuổi thọ toàn cầu. Giai đoạn 2019-2021, nhiều nơi trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, số người chết tăng cao. Riêng năm 2020, đại dịch này là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 3 toàn cầu và cao thứ 3 vào năm 2021. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định rằng đây không phải nguyên nhân duy nhất khiến tuổi thọ toàn cầu giảm sâu.
Các khu vực khác nhau trên thế giới cũng có sự sụt giảm tuổi thọ khác nhau, chênh lệch rất lớn. Châu Mỹ và Đông Nam Á chính là những khu vực bị ảnh hưởng tuổi thọ nặng nề nhất, giảm tới 3 năm tuổi thọ và 2,5 năm tuổi thọ khỏe mạnh. Trong khi đó, Tây Thái Bình Dương lại là khu vực chịu ảnh hưởng không lớn từ đại dịch COVID-19, vì thế nơi này chỉ giảm 0,1 năm tuổi thọ và tuổi thọ khỏe mạnh giảm 0,2 năm.
Tuy nhiên, nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nhiều khu vực trên thế giới còn liên quan đến nhóm bệnh không lây nhiễm (NCD). Một số bệnh nổi bật trong nhóm NCD có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tuổi thọ là tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính, Alzheimer… Đây không phải là căn bệnh hiếm gặp, nhất là ở những người lớn tuổi. Thậm chí, những căn bệnh này còn ngày càng trẻ hóa, ảnh hưởng tới sức khỏe những người trẻ.
Trước đại dịch COVID-19, năm 2019, NCD chính là nhóm các bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới, lên đến 74% tổng số ca tử vong. Khi dịch COVID-19 xuất hiện và gây ảnh hưởng nặng nề, nhóm bệnh NCD vẫn gây ra 78% số ca tử vong không do COVID-19.
Không chỉ vậy, các vấn đề về thừa cân, béo phì cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người trên thế giới. Năm 2022 có tới hơn 1 tỷ người đối mặt với tình trạng béo phì, hơn nửa tỷ người thiếu cân, tác động mạnh mẽ tới nhóm các bệnh không lây nhiễm.
Để bảo vệ sức khỏe của chính mình, mỗi người nên duy trì lối sống lành mạnh. Chúng ta cần đảm bảo chế độ ăn khoa học, hợp lý, duy trì thái độ sống tích cực, vui vẻ, lạc quan, đồng thời tạo thói quen tập thể dục thường xuyên. Mỗi người cũng cần chú ý tới sức khỏe nhiều hơn, thường xuyên thăm khám, chữa bệnh để tăng sức khỏe, tuổi thọ.