Tuyến đường sắt trên cao dài 8,5km đi qua gần 10 trường đại học có tiếng, giảm 50% giá vé cho HSSV, ngày đầu lăn bánh đã phá kỷ lục tuyến metro Cát Linh – Hà Đông
(Thị trường tài chính) - Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt trên cao này dự kiến giải tỏa ùn tắc nhiều điểm đen và thu hút lượng hành khách lớn.
Từ 8 giờ sáng ngày 8/8, đoạn đường sắt trên cao từ Nhổn đến Cầu giấy dài 8,5km thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) chính thức bắt đầu hoạt động thương mại, phục vụ hành khách. Trong ba tháng đầu tiên, tàu sẽ hoạt động từ 5 giờ 30 phút sáng đến 22 giờ đêm mỗi ngày, với tần suất 10 phút/chuyến. Sau giai đoạn này, dựa trên nhu cầu thực tế của hành khách, đơn vị vận hành sẽ điều chỉnh lịch trình và tần suất để đáp ứng tốt hơn nhu cầu di chuyển của người dân.
Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đã chính thức vận hành thương mại phục vụ khách hàng. Ảnh: Đình Huy
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị mới, trong 15 ngày đầu tiên khai thác thương mại, tất cả hành khách sẽ được miễn phí theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội.
Sau đó, giá vé sẽ được áp dụng với vé lượt (vé chặng) đi một ga là 8.000 đồng, trong khi đi cả tuyến là 12.000 đồng mỗi lượt. Vé ngày có giá 24.000 đồng, được phép sử dụng không giới hạn số lượt đi trong ngày. Vé tháng loại phổ thông có giá 200.000 đồng/tháng, học sinh, sinh viên được giảm 50% còn 100.000 đồng/tháng, vé tập thể có giá 140.000 đồng/tháng.
Tàu chạy giãn cách 10 phút/chuyến. Ảnh: Đình Huy
Theo thống kê từ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, ngay trong ngày đầu tiên vận hành, tuyến tàu Nhổn – ga Hà Nội đã lập kỷ lục với 34.184 lượt khách. Con số này vượt xa so với 25.680 hành khách của tuyến Cát Linh – Hà Đông trong ngày đầu đưa vào khai thác. Đáng chú ý, tuyến Nhổn – Cầu Giấy chỉ dài 8,5km với 8 ga, ngắn hơn nhiều so với đường sắt đô thị số 2A Cát Linh – Hà Đông dài 13,1km và có 12 ga.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, cho biết rằng phần lớn hành khách trên tuyến Nhổn – Cầu Giấy là người đi làm và học sinh, sinh viên, chính vì vậy, lượng khách trên tuyến này có khả năng sẽ đông hơn hẳn tuyến số 2A.
Ga Đại học Quốc gia nằm cạnh Đại học Quốc Gia Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Sinh viên Việt Nam
Tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội đi qua các trục đường có mật độ giao thông dày đặc, thường xuyên xảy ra ùn tắc và nhiều nút giao thông phức tạp. Tuyến cũng đi qua khu vực có nhiều cơ quan, khu dân cư và các trường đại học lớn như Trường Đại học Công nghiệp, Trường Đại học Thương mại, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Giao thông Vận tải,... Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt trên cao này dự kiến giải tỏa ùn tắc nhiều điểm đen và thu hút lượng hành khách lớn.
Tên gọi chính thức của 8 nhà ga được đặt theo vị trí địa lý mà tuyến đường đi qua, bao gồm: Ga Nhổn, Ga Minh Khai, Ga Phú Diễn, Ga Cầu Diễn, Ga Lê Đức Thọ, Ga Đại học Quốc gia, Ga Chùa Hà và Ga Cầu Giấy.
Về thiết kế, các nhà ga trên cao mang phong cách cánh chim hòa bình với kiến trúc tổng thể gồm 3 tầng. Tầng đầu tiên là tầng mặt đất, nơi hành khách tiếp cận cầu thang lên ga, đồng thời cũng là nơi bố trí máy phát điện dự phòng, hệ thống bơm cấp nước cho sinh hoạt và phòng chữa cháy.
Tiếp đến là tầng trung chuyển, gồm hai khu vực riêng biệt là khu vực hành khách mua, soát vé, các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách và khu vực kỹ thuật điều hành hoạt động nhà ga.
Tầng trên cùng là khu vực chờ tàu, nơi hành khách có thể chờ đợi và lên tàu, được trang bị đầy đủ hệ thống chỉ dẫn thông tin cho hành khách cũng như hệ thống kiểm soát an toàn phục vụ vận hành.