HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

TS. Nguyễn Thị Kim Tiến: Trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang tầm khu vực và thế giới

Linh Chi

(Thị trường tài chính) -Khó khăn lớn nhất trong hiến tặng giác mạc là do phong tục tập quán, truyền thống, tôn giáo và tín ngưỡng văn hóa...

Theo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, ngày 15/10/2024, tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 diễn ra hội thảo với chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm thu nhận và điều phối giác mạc giữa Việt Nam và Singapore", nhận được nhiều sự quan tâm từ các chuyên gia nhãn khoa. Tại hội thảo, các chuyên gia đã có nhiều chia sẻ hữu ích về lĩnh vực này.

TS. Nguyễn Thị Kim Tiến: Trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang tầm khu vực và thế giới - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội vận động hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Viettimes

Tham gia hội thảo, TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - cho biết, trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang tầm khu vực và thế giới. Dù vậy, tỷ lệ người đăng ký hiến tặng giác mác vô cùng khan hiếm.

Mặc dù nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu lại vô cùng cấp thiết, danh sách bệnh nhân chờ ghép giác mạc ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2007 - 2023, cả nước có 45.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó 963 người đã hiến giác mạc sau khi qua đời.

PGS. TS. Hoàng Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Mô Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2 - cho biết, đến nay Ngân hàng Mắt của Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã thu nhận được 57 giác mạc trong và ngoài nước và điều phối cho 4 bệnh viện tại Hà Nội cùng TP.HCM.

TS. Howard Cajucom-Uy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Mắt châu Á, phụ trách Ngân hàng Mắt Singapore - chia sẻ rằng trong năm 2023, Singapore có 620 người được ghép giác mạc nhưng số người cần ghép vẫn rất đông.

Ông nhấn mạnh rằng hiến giác mạc có nhiều tiềm năng vì không có chống chỉ định hiến tặng giác mạc, thậm chí với các bệnh nan y; giác mạc có thể được thu nhận vài giờ sau khi xác nhận tử vong; không yêu cầu phù hợp về nhóm máu, kích thước cơ thể hay giới tính để ghép cặp. Tuy nhiên, việc hiến giác mạc vẫn gặp nhiều khó khăn.

TS. Nguyễn Thị Kim Tiến: Trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang tầm khu vực và thế giới - ảnh 2
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Theo các chuyên gia, kỹ thuật lấy và ghép không phải là vấn đề lớn, nhưng chính phong tục tập quán, truyền thống, tôn giáo và tín ngưỡng văn hóa, cùng sự thiếu hiểu biết về việc hiến tặng giác mạc, mới khiến việc vận động hiến tặng trở nên khó khăn. Không chỉ ở Việt Nam, các nước trên thế giới cũng gặp tình trạng này.

Vì vậy, tại hội thảo, các chuyên gia y tế, nhà nghiên cứu và quản lý đã trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra giải pháp cụ thể. Các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc tuyên truyền về hiến giác mạc cũng cần nâng cao chuyên môn và đào tạo đội ngũ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chăm sóc mắt.

Ngoài ra, cũng tại hội thảo đã chia sẻ về kinh nghiệm thu nhận và điều phối giác mạc giữa Việt Nam và Singapore đã mang đến niềm hy vọng cho hơn 300.000 người bệnh mù lòa ở Việt Nam. Từ đây, các nhà hoạch định chính sách, ban soạn thảo, cũng như các nhà vận động tại Việt Nam xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy tắc điều phối hiến tặng mô tạng nói chung và giác mạc nói riêng.