Thành phố nhiều lễ hội nhất Việt Nam dự kiến chi hơn 14.000 tỷ đồng tu bổ di tích
(Thị trường tài chính) - Trong giai đoạn 2021-2025, tổng cộng 579 dự án tu bổ, tôn tạo di tích sẽ được triển khai với tổng kinh phí dự kiến là 14.029 tỷ đồng.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2025 và các năm tiếp theo.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tập trung vào việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, và phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, cùng các cụm di tích cấp quốc gia và thành phố đã được xếp hạng. Những di tích này sẽ được kết nối thành một quần thể phân bố theo khu vực địa lý, với mối liên kết chặt chẽ về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Trong đó, có 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt (gồm 89 di tích đơn lẻ) và nhiều cụm di tích thuộc quận, huyện quản lý.
Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: Internet
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiến hành tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, những di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, cũng như các di tích cấp quốc gia và thành phố có giá trị tiêu biểu, theo một lộ trình cụ thể.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, tổng cộng 579 dự án tu bổ, tôn tạo di tích sẽ được triển khai với tổng kinh phí dự kiến là 14.029 tỷ đồng. Trong đó, 58 di tích bao gồm các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và các di tích liên quan đến cách mạng kháng chiến sẽ được đầu tư với tổng kinh phí 5.676,3 tỷ đồng.
Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: oceanairtravels
Ngoài ra, thành phố sẽ hỗ trợ các huyện, thị xã trong việc tu bổ và tôn tạo 521 di tích lịch sử văn hóa (gồm 337 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 184 di tích cấp thành phố) với tổng nguồn kinh phí 8.352,7 tỷ đồng.
Đối với các di tích chưa thuộc diện đầu tư theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND và Nghị quyết số 12/NQ-HĐND, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát và phân loại mức độ xuống cấp, sau đó tổng hợp để báo cáo thành phố, đề xuất tiếp tục đầu tư tu bổ trong giai đoạn 2025-2030.
Chùa Một Cột. Ảnh: Internet
Việc tu bổ sẽ được thực hiện từ năm 2024-2025 và các năm tiếp theo, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có 8.868 lễ hội, trong đó Hà Nội là địa phương dẫn đầu về số lượng. Trong năm 2024, Hà Nội có hơn 1.500 lễ hội. Một số lễ hội lớn thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi như: Lễ hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Lễ hội Gióng tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn) và đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Lễ hội Láng, Lễ hội Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa), và Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì),…